Niềm vui vì năm nay thu được lá trầu to, đẹp, xanh cho năng suất cao, bà Nguyễn Thị Ngọc Ngà, có hơn 40 năm gắn bó với nghề trồng trầu được ông bà truyền lại, phấn khởi: “Trồng trầu không nặng công chăm sóc, chi phí đầu tư và không cần nhiều diện tích, có thể tranh thủ trồng ở những khoảng đất hẹp trước nhà. Dây trầu từ khi trồng đến lúc thu hoạch khoảng 6 tháng. Sau 1 năm dây bò lên phủ nọc cũng là thời điểm trầu cho sản lượng lá cao nhất. Nhà tôi trồng được 400 m², hàng tháng, trầu cho thu hoạch 2 lần, cao điểm là vào ngày 14 Âm lịch hay Tết cổ truyền phục vụ nhu cầu cúng, giỗ nên giá trầu tăng gấp đôi so với ngày thường. Hiện tại giá trầu tết tại vườn là 20 ngàn đồng/liễn (mỗi liễn 40 lá), trầu sẽ còn tăng giá hơn nữa vào những ngày giáp tết. Năm nay, lá trầu phát triển tốt nên thu hoạch trong tháng, trừ chi phí tôi thu về khoảng 4 triệu đồng.
Trầu vụ tết được giá bán cao nên người dân thu hoạch phấn khởi.
Cùng chung niềm phấn khởi với bà Ngà, có ông Lê Văn Chỉ, hơn 50 tuổi, nối tiếp nghề trồng trầu 30 năm đang tranh thủ thu hoạch cho kịp chuyến hàng của thương lái, chia sẻ:“Từ vườn trầu của ông bà để lại 300 m², cứ như vậy gia đình tôi chăm sóc cải tạo cho đến bây giờ. Với diện tích nhỏ nhưng cây trầu đem lại nguồn thu nhập ổn định hàng tháng hơn 6 triệu đồng, dịp tết lá trầu lại tăng cao nên gia đình có một cái tết phấn khởi hơn.
Ông Bùi Văn Trong, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Sơn, cho biết: Hiện tại trên địa bàn thôn Đắc Nhơn có 36 hộ trồng trầu với diện tích hơn 3ha. Nghề trồng trầu trong khu dân cư ở đây đã có rất lâu đời, mỗi hộ gia đình trồng với diện tích vài trăm mét vuông đến 1 sào, vì cho thu nhập khá ổn định nên nhiều hộ quyết tâm giữ vững nghề trồng trầu.
Kim Thùy