Ninh Phước tập trung thực hiện hiệu quả chủ trương đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) theo tinh thần Nghị quyết số 05/2016-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020. Việc đầu tư ứng dụng CNC vào sản xuất đã tạo bước phát triển mới, giúp nông dân nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa, tăng thu nhập vươn lên làm giàu, tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới.
Những mô hình công nghệ cao
Những ngày đón chào mùa Xuân mới 2019, chúng tôi có dịp đi cùng Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới đến thăm vườn táo của gia đình anh Võ Ly Em, ở thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu (Ninh Phước). Được sự tư vấn của các nhà khoa học, anh Em là một trong những nông dân đầu tiên của huyện Ninh Phước ứng dụng công nghệ Nano vào canh tác trên cây táo cho trái lớn đồng đều, ít sâu bệnh hại, thân thiện với môi trường. Anh Em sản xuất táo dựa trên nền tảng nông nghiệp CNC, thu hoạch cung cấp cho thị trường vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Mô hình canh tác măng tây xanh và dưa lưới công nghệ cao của
gia đình anh Diệp Phùng Xuân, ở thị trấn Phước Dân.
Trò chuyện với nông dân Võ Ly Em, người trực tiếp ứng dụng biện pháp canh tác Endophyte Nano trên diện tích hai sào đất trồng táo trên đồng đất thôn Trường Thọ, chúng tôi được biết khu vườn của gia đình anh chuyển đổi từ ruộng gò trồng lúa kém hiệu quả sang trồng 110 gốc táo từ năm 2013 đến nay. Trong những vụ trước, anh sử dụng phân NPK và phòng trừ nấm xám hại trái non bằng các loại thuốc hóa học. Được sự tư vấn của các nhà khoa học, trong vụ táo cuối năm nay, anh Em đưa chế phẩm sinh học Vuagro vào canh tác trên cây táo. Chế phẩm Vuagro tác động lên Endophyte là loại nấm nội sinh sống bên trong cây có sức ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ và sự phát triển của cây trồng. Đặc biệt Endophyte Nano làm tăng khả năng miễn dịch tự nhiên giúp cây trồng chủ động chống lại vi sinh vật gây bệnh, cho cây trồng phát triển tự nhiên bằng chính nội lực của mình. Vườn táo của gia đình anh Em mang trái căng tròn, ít bị nấm bệnh phá hoại, bảo đảm vụ mùa thu hoạch đạt năng suất và chất lượng cao. Anh Võ Ly Em phấn khởi: Lần đầu tiên áp dụng giải pháp Endophyte Nano canh tác trên cây táo, tôi thật sự lo ngại vì không biết kết quả sẽ ra sao. Qua ba tháng “quên ăn, quên ngủ, tôi chăm sóc vườn táo đã đem lại kết quả rất đáng mừng, gia đình có chuẩn bị thu hoạch bán vào dịp đón tết cổ truyền dân tộc Kỷ Hợi sắp tới.
Chia tay trong niềm vui mùa màng của nông dân Võ Ly Em, chúng tôi về làng Chăm Mỹ Nghiệp tìm gặp anh Diệp Phùng Xuân là nông dân đầu tiên ở thị trấn Phước Dân áp dụng mô hình nông nghiệp CNC vào canh tác măng tây xanh và dưa lưới. Với diện tích đất canh tác 2 sào, từ cuối năm 2018, anh Xuân đầu tư gần 1 tỷ đồng lắp ráp nhà lưới và khoan giếng sâu 100 m khai mác mạch nước ngầm áp dụng thiết bị tự động hóa bơm tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước. Qua ba vụ trồng dưa lưới và cây măng tây xanh trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm chất lượng cao cung cấp nông sản sạch cho người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh. Anh Xuân đang trồng 650 bầu dưa lưới vừa thụ phấn phát triển xanh tốt cho thu hoạch vào dịp tết sắp tới. Mô hình canh tác măng tây xanh và dưa lưới của anh Diệp Phùng Xuân được nhiều nông dân địa phương đến tham quan trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm áp dụng CNC vào sản xuất các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao.
Đến với xã An Hải, chúng tôi lấy làm ngỡ ngàng khi đứng trước cánh đồng măng tây xanh rộng trên 45 ha canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP của đồng bào Chăm thôn Tuấn Tú. Bà con ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trên cánh đồng xanh biếc tạo nên bức tranh thanh bình, no ấm giữa mùa Xuân mới. Anh Hùng Ky, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, phấn khởi: Tính đến cuối năm 2018, diện tích trồng măng tây xanh của HTX gần 30 ha; trong đó có 11 ha trồng mới giống Atticus chất lượng cao theo chương trình cánh đồng lớn với diện tích 20 ha; còn lại 9 ha tiếp tục trồng mới trong năm 2019. Các nông hộ trồng mới măng tây xanh giống Atticus được ngân sách tỉnh hỗ trợ 1,5 triệu đồng/sào. Đây là giống măng tây xanh cho năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường được các doanh nghiệp hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm với giá 50.000 đồng/kg. Các nông hộ cũng đã chủ động lắp đặt thiết bị tưới tự động hóa được điều khiển thông qua sóng điện thoại di động. Cây măng tây xanh đạt năng suất bình quân 25 tấn/ha/năm, cho lợi nhuận trung bình 700-800 triệu đồng/ha/năm, bảo đảm đời sống nông dân vươn làm giàu bền vững. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thi công xây dựng hệ thống thủy lợi lấy nước từ đập dâng sông Lu phục vụ tưới 300 ha vùng đất cát ven biển xã An Hải. Công trình dự kiến hoàn thành vào cuối quý I-2019, giúp nông dân đầu tư mở rộng diện tích măng tây xanh chất lượng cao cung cấp cho thị trong nước và tiến tới xuất khẩu, tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới phồn vinh.
Định hướng phát triển
Với phong cách nói chuyện thẳng thẳng của nhà khoa học, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng tỉnh Ninh Thuận có lợi thế canh tác những loài cây đặc thù cho giá trị kinh tế cao như măng tây xanh, hành, tỏi, nho, táo.
Người tiêu dùng mua sản phẩm hành, tỏi tại Cơ sở Sản xuất và kinh doanh
Thiên Thảo, thôn Phước Khánh, xã Phước Thuận (Ninh Phước). Ảnh: Văn Nỷ
Lãnh đạo các ngành, các cấp cần định hướng cho nông dân chuyển đổi tư duy từ phương pháp canh tác vô cơ sang nền canh tác nông nghiệp hữu cơ và áp dụng các chế phẩm sinh học vào đồng ruộng. Người tiêu dùng đang cần nông dân cung cấp cho thị trường những mặt hàng nông sản sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ có thể cao hơn vô cơ nhưng người tiêu dùng chấp nhận mua với giá cao, bảo đảm cho nông dân có thu nhập tăng thêm trên đơn vị diện tích canh tác. Áp dụng biện pháp canh tác hữu cơ kết hợp chế phẩm sinh học công nghệ cao trên đồng ruộng Ninh Thuận tuy đã muộn nhưng vẫn còn đủ thời gian để cạnh tranh với các mặt hàng nông sản ngoại nhập chất lượng cao đang chiếm ưu thế trên thị trường trong nước.
Tuy bận rộn công việc cuối năm, đồng chí Nguyễn Đô, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước vẫn ưu ái dành thời gian làm việc với chúng tôi. Anh cho biết Nghị quyết số 05/2016-NQ/TU đã tạo động lực giúp huyện Ninh Phước huy động các nguồn lực phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC vào trồng trọt, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản. Trong đó, các mô hình CNC phát huy tốt hiệu quả như “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, cánh đồng lớn, sản xuất bắp lai nhân giống, măng tây xanh, canh tác cây nho theo tiêu chuẩn VietGAP, tưới tiết kiệm nước, sản xuất rau an toàn…Nhờ đó đã đưa giá trị sản phẩm ngành Nông nghiệp trên đơn vị diện tích canh tác tăng từ 142,3 triệu đồng/ha (năm 2015) lên 188,6 triệu đồng/ha vào cuối năm 2018; thu nhập bình quân của người dân của huyện Ninh Phước từ 23,9 triệu đồng (năm 2015) tăng lên 35,9 triệu đồng và tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,66% xuống còn 4,75% vào cuối năm 2018. Trong những năm tới, địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình CNC vào sản xuất nông nghiệp, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong nông dân, huy động các nguồn lực xã hội tập trung đầu tư đưa ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng tăng trưởng nhanh, bền vững. Làm ăn mùa màng thắng lợi giúp người dân huyện Ninh Phước phấn khởi vui đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi- 2019 đầm ấm, vui tươi, tiết kiệm và an toàn.
Sơn Ngọc