Tại huyện Ninh Phước, chúng tôi đã đến các xã Phước Thuận, Phước Hậu tìm hiểu. Anh Bùi Đăng Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết: “Xã có khoảng 192 ha nho và khoảng 86 ha táo, trong những trận mưa lớn đã làm 35-40% diện tích táo đang thu hoạch dở ở các thôn Thuận Lợi, Thuận Hòa, Hiệp Hòa bị hư hỏng một phần; lúc ấy đa số táo đã thu hoạch xong nên thiệt hại không đáng kể, chỉ có nho là bị nặng nề nhất, chắc chắn bà con sẽ không có nho bán đợt tết này”. Nho được trồng nhiều ở các thôn Phước Khánh, Thuận Hòa, Hiệp Hòa, Phước Lợi, đang trong thời điểm đậu trái bóng mượt, gặp mưa nhiều nên hầu như các trà nho chuẩn bị bán tết có trên 90% bị hư, trong đó có 2 giàn nho, diện tích khoảng 4.000 m2 ở thôn Phước Khánh bị sập.
Bên cạnh thiệt hại do mưa kéo dài gây ra, nông dân thôn Thành Sơn (Xuân Hải)
tích cực đầu tư chăm sóc 20% diện tích nho còn lại.
(Trong ảnh: giàn nho của ông Đặng Văn Tiễn đã cho trái sắp thu hoạch)
Còn ở Phước Hậu thì thiệt hại nặng nề nhất là táo, cả xã chỉ có 4 ha nho nhưng có tới 124 ha táo, tập trung trồng nhiều nhất tại thôn Trường Sanh. Theo anh Nguyễn Như Hùng Triết, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu, mưa dài ngày đã làm 1,1 ha táo trồng đang cho trái chín bị chết và gây ngập úng toàn bộ diện tích táo, nho còn lại. Đối với táo ngập, dù cây còn sống nhưng hầu hết xuất hiện dấu hiệu không đậu trái hoặc có trái thì đều hư. Anh Hùng Triết nói: Nhà tôi cũng trồng 3 sào táo nên cũng chịu tình trạng chung, táo trái đều bị thâm bã trầu, nhăn da và khô héo dần nên phải chuyển làm thức ăn cho dê, cừu. Nhiều người trồng táo chặt bỏ, nhổ gốc để trồng lại, dù có khó khăn nhưng bà con vẫn cố gắng khắc phục, vui tết nhưng không quên việc đồng áng.
Đến xã Xuân Hải (Ninh Hải), càng thấy rõ tình trạng nông dân mất trắng vụ nho do mưa lớn kéo dài trong khoảng thời gian nói trên. Nho trồng ở đây chủ yếu là nho xanh NH 0148, với diện tích trên 120 ha, trong đó có khoảng 100 ha nho trồng tập trung tại thôn Thành Sơn. Tất cả đều là nho đang thu hoạch, phần trồng mới chỉ có khoảng 4-5 ha. Nho Thành Sơn mỗi năm làm 2 vụ hè-thu và đông- xuân (chính vụ), vụ hè-thu vừa rồi năng suất bình quân đạt 2 tấn/sào, được mùa nhưng mất giá, chỉ còn 20-25 ngàn đồng/kg nên người trồng nho đã lao đao. Vào vụ chính đông-xuân, đang đặt kỳ vọng chăm sóc kịp thu hoạch bán tết thì những cơn mưa không đúng lúc gây thiệt hại - anh Lê Văn Bình, Trưởng thôn Thành Sơn chia sẻ. Theo tổng hợp của Ban Quản lý thôn, do mưa nông dân không thể xịt thuốc được nên có khoảng 24-25 ha nho đang trổ bông hoặc “xổ” trái đều rơi rụng hết. Tính chung trong tổng diện tích nho toàn thôn, có 50% bị hư rễ, thối gốc phải nhổ bỏ trồng lại từ đầu; tức là coi như mất trắng. Một trong những người trồng nho trong thôn bị thiệt hại nhiều là ông Bùi Thanh Dương than thở: Tôi có 6 sào nho xanh trồng đã lâu năm, đang giai đoạn sinh trưởng tốt, nay có khả năng phải chặt bỏ gốc toàn bộ.
Từ những gì quan sát được ở các xã Phước Thuận, Phước Hậu và Xuân Hải, chúng tôi hình dung được những tổn thất mà người trồng nho, táo gánh phải. Tuy nhiên, với tính cần cù và tinh thần vượt khó, những nông dân bị thiệt hại mùa màng đang từng bước khắc phục. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Các vườn nho, táo bị mưa bão gây thiệt hại vừa qua không nằm trong diện hỗ trợ của Nhà nước, toàn bộ đều được nông dân tự khắc phục”. Tương tự ở thôn Thành Sơn, trừ số diện tích nho hư gốc, còn lại nông dân đang tích cực đầu tư chăm sóc, có giàn nho có trái đang sắp thu hoạch, như 1 sào nho của ông Đặng Văn Tiễn. Anh Lê Văn Bình tâm sự: “Mưa gió gây thiệt hại cho nho vẫn thường xảy ra, bà con thôn Thành Sơn cũng đã xác định rõ nên nhân đây phá các cây nho lão để tái đầu tư trồng mới.
Theo anh Võ Thành Lâm, Chủ tịch Hội Nông xã Xuân Hải, từ thiệt hại mùa màng do mưa lớn gây ngập úng, nông dân Xuân Hải, cụ thể là thôn Thành Sơn đã chủ động chuyển đổi nho trồng lên vùng đất gò, cao. Cũng như Xuân Hải, ở các xã Phước Thuận, Phước Hậu và một số địa phương khác, qua sự thiệt hại từ mưa bão, người trồng nho, táo đã tích lũy thêm kinh nghiệm để ứng phó. Nhìn chung, dù đang trong thời điểm đón mừng xuân mới, điều đáng biểu dương là bà con vẫn chủ động, tự lực khắc phục hậu quả mà không đòi hỏi sự trợ giúp của Nhà nước.
Bạch Thương