Theo báo cáo, sau 3 năm thực hiện Nghị định 75, các đơn vị chủ rừng đã tổ chức tuyên truyền, vận động cộng đồng, các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ, khoanh nuôi rừng tái sinh để phát triển các mô hình sinh kế phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, sau khi rà soát, đơn vị chủ rừng đã tiến hành giao khoán hơn 47.728 ha rừng cho 73 cộng đồng/1.619 hộ bảo vệ. Từ năm 2016 đến nay, bên cạnh các hộ được nhận số tiền gần 35,5 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động trực chốt, tuần tra truy quét bảo vệ rừng, còn được hỗ trợ số tiền hơn 8 tỷ đồng để thực hiện các mô hình sinh kế, trọng tâm là chăn nuôi gia súc dưới tán rừng. Năm 2016, các hộ được hỗ trợ 993 con bò , cừu, dê, đến nay tăng lên 1.123 con; trong đó, bò 716 con, dê 312 con, cừu 95 con. Nhờ được hỗ trợ giống vật nuôi, các hộ đã khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế rừng để phát triển chăn nuôi vươn lên thoát nghèo.
Cán bộ, nhân viên Trạm Kiểm lâm Bạc Rây, xã Phước Bình (Bác Ái) tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: T.Mạnh
Điều ghi nhận, trong quá trình thực hiện Nghị định 75, ngành chức năng, các địa phương có những cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Triển khai mô hình nông-lâm kết hợp và sử dụng nước tiết kiệm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Krông Pha (Ninh Sơn) xây dựng kế hoạch vận động 19 hộ tích lũy tiền công nhận khoán bảo vệ rừng đầu tư hệ thống ống dẫn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Một số mô hình phát triển canh tác nông-lâm kết hợp đã hình thành các vùng sản xuất những loại cây trồng đặc thù có giá trị kinh tế cao. Đơn cử, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phước Bình (Bác Ái) hỗ trợ 9 lượt cho các thôn vùng điệm số tiền 360 triệu đồng để trồng bưởi da xanh.
Với quyết tâm tạo chuyển biến mạnh trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, bảo vệ rừng ở khu vưc miền núi, ngành chức năng, các địa phương thực hiện có hiệu quả toàn diện nội dung của Nghị định 75. Với ưu thế về tiềm năng phát triển du lịch, Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa đã vận động, tạo điều kiện để các hộ nghèo ở xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) tham gia hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực du lịch thông qua mô hình “Sinh kế bền vững dựa vào phát triển du lịch sinh thái”. Bằng hình thức kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hướng dẫn du lịch, biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ khách du lịch, đã giúp 37 hộ thoát nghèo, có thu nhập ổn định.
Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn nhận: Thời gian gần đây hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã từng bước gắn kết với triển khai các mô hình sinh kế bền vững, mở ra phương thức sản xuất mới giúp đồng bào miền núi ổn định cuộc sống, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Triển vọng nhân rộng các mô hình sinh kế gắn với hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là rất lớn nhờ có sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng dân cư sống gần rừng. Để giúp các hộ gia đình, cá nhân có điều kiện triển khai mô hình phát triển sinh kế bền vững, sở chỉ đạo các đơn vị chủ rừng tổ chức ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng đến từng hộ đảm bảo chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật. Tổ chức học tập kinh nghiệm các mô hình hiệu quả về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với sinh kế bền vững của các tỉnh bạn để áp dụng phù hợp với tình hình thực tế ở từng khu vực.
Anh Tùng