Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các đoàn thể, nhân dân, công tác DS-KHHGĐ trong 9 tháng năm 2018 đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chỉ tiêu chiến dịch truyền thông lồng ghép với nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ đạt kết quả cao. Tính đến hết tháng 9, toàn tỉnh có 46.423 đối tượng áp dụng các biện pháp tránh thai, đạt 99,2% kế hoạch đề ra. Trong đó, một số biện pháp như thuốc uống, thuốc tiêm, bao cao su, triệt sản đều đạt trên 89% kế hoạch đề ra. Trong 9 tháng, đã tiến hành sàng lọc trước sinh cho 1.782 phụ nữ mang thai, đạt 72,3%; sàng lọc sơ sinh cho 6.785 trẻ, đạt 165,2 %, qua đó, xác định 2 trường hợp trẻ thiếu men G6PD. Chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản và thực hiện KHHGĐ trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao.
Người dân khám sàng lọc trước sinh tại Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh. Ảnh: M.Dung
Đồng chí Phạm Thị Cẩm Vân, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, chi cục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác DS-KHHGĐ. Trên cơ sở đó, Trung tâm DS-KHHGĐ các địa phương xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả các dự án, mô hình của Chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ. Đồng thời, thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm việc kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác DS-KHHGĐ tại các huyện, thành phố; phân bổ kinh phí đủ định mức triển khai hoạt động DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở; hỗ trợ thù lao đầy đủ, đúng quy định cho lực lượng cộng tác viên. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở. Cùng với việc thực hiện có hiệu quả công tác DS-KHHGĐ, Chi cục DS-KHHGĐ còn tổ chức thành công hội nghị biểu dương 98 gia đình sinh con một bề là gái; Hội thảo triển khai xã hội hóa sàng lọc sơ sinh.... góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền.
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, công tác DS-KHHGD tỉnh vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức như: Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng 1,5% so với cùng kỳ và cao hơn kế hoạch năm 4%; mức sinh thay thế năm 2017 đạt 2,34 con/ phụ nữ (mức sinh thay thế cả nước 2,1 con/phụ nữ); tỷ số giới tính khi sinh tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng...
Nếu như trước đây, truyền thông DS chủ yếu tập trung vào KHHGĐ nhằm giảm mức sinh, hạ thấp tỷ lệ phát triển dân số, thực hiện quy mô gia đình nhỏ có từ 1-2 con. Hiện nay, công tác truyền thông về DS có thêm nhiệm vụ mới và quan trọng là nâng cao chất lượng dân số. Để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới, thời gian tới bên cạnh việc tuyên truyền các nội dung về DS và phát triển theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW, Chi cục DS-KHHGD tiếp tục tăng cường tiếp thị các phương tiện tránh thai, từng bước hạ mức sinh thay thế hợp lý, khống chế tốc độ gia tăng tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh. Để giảm mức sinh thay thế, trung bình số con của mỗi bà mẹ khoảng 2,0-2,1 thì việc thực hiện DS-KHHGĐ vẫn giữ vai trò quan trọng. Cùng với đó, tiếp tục duy trì hoạt động Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; xã hội hóa phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển. Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, đặc biệt chú trọng vào các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ. Đồng thời, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, vận động các nhóm đối tượng đặc thù ở vùng có mức sinh cao… nhằm nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Với những giải pháp, định hướng cụ thể, tin rằng ngành DS tỉnh nhà sẽ hoàn thành các chỉ tiêu và kế hoạch đề ra trong năm 2018.
Mỹ Dung