* Phóng viên: Đồng chí cho biết tình hình bệnh TCM hiện nay trên địa bàn tỉnh ta?
- Đồng chí Nguyễn Đình Ngọc: Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận trên 90.000 trường hợp mắc TCM tại 63 tỉnh, thành phố; trong đó có 6 trường hợp tử vong. Tại tỉnh ta, tính đế ngày 19-10 đã phát hiện 797 trường hợp, tăng hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ. Trẻ em dưới 5 tuổi chiếm đến 99%, trong đó trên 85% trẻ dưới 3 tuổi mắc bệnh. Dự báo trong thời gian tới, bệnh TCM trên địa bàn tỉnh tiếp tục gia tăng và có nguy cơ bùng phát thành dịch, đe dọa sức khỏe, tính mạng của người dân, nhất là đối với trẻ em dưới 5 tuổi.
* Phóng viên: Đồng chí cho biết các biện pháp phòng ngừa và điều trị khi trẻ đã bị nhiễm bệnh TCM?
- Đồng chí Nguyễn Đình Ngọc: Bệnh TCM do một nhóm vi rút đường ruột Enterovirus gây nên, lây lan rất nhanh, chủ yếu qua đường tiêu hóa qua tiếp xúc giữa người bệnh với người lành hoặc lây lan qua vật dụng có dính chất tiết mũi họng, dịch ở các bọng nước, phân của người bị bệnh. Bệnh vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa. Đối tượng thường mắc bệnh là trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất đó chính là vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ. Các bậc phụ huynh, người trực tiếp chăm sóc trẻ cần rửa thay thường xuyên cho trẻ và chính bản thân bằng xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, cho trẻ ăn, tiếp xúc với trẻ, sau khi đi vệ sinh, thay tã và làm vệ sinh cho trẻ … Hộ gia đình, nhà trẻ, mẫu giáo… cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, vật dụng gia đình, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa có tính chất diệt khuẩn… Ngoài ra, cần cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp trẻ để tăng sức đề kháng.
Trong trường hợp phát hiện trẻ mắc bệnh với các triệu chứng như: sốt, mệt mỏi, đau họng, sổ mũi, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày, xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, ở bàn chân, bàn tay, mông…, cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế địa phương để được chẩn đoán, điều trị và hướng dẫn phương pháp chăm sóc đúng cách. Đối với trẻ mắc bệnh nhẹ, mức độ 1 (chỉ loét miệng hoặc tổn thương da) không nhất thiết điều trị tại bệnh viện để tránh lây nhiễm mà chỉ cần cách ly, điều trị tại nhà theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế địa phương, tuy nhiên cần phải theo dõi mọi diễn biến bệnh của trẻ. Các trường hợp có biểu hiện bệnh nặng như sốt cao, có dấu hiệu thần kinh, tim mạch… cần được điều trị, xử lý kịp thời tại cơ sở y tế.
* Phóng viên: Đồng chí cho biết ngành Y tế thực hiện giải pháp phòng, chống bệnh TCM như thế nào?
- Đồng chí Nguyễn Đình Ngọc: Thời gian qua, ngành Y tế các cấp đã tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra; đồng thời phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng ngừa. Để giúp cho người dân nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh, vừa qua, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát động Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh TCM tỉnh Ninh Thuận năm 2018, với chủ đề “Sự nguy hiểm của bệnh TCM” và “Rửa tay bằng xà phòng góp phần phòng chống dịch bệnh TCM”. Theo kế hoạch, vào 6 giờ 30 phút, ngày 25-10, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, UBND sẽ tổ chức lễ phát động. Sau lễ phát động của tỉnh, các huyện, thành phố, xã, phường sẽ tổ chức lễ phát động tại địa phương; đồng thời ra quân chiến dịch với nhiều hoạt động thiết thực huy động mọi nguồn lực, mọi phương tiện, hình thức truyền thông thích hợp để phổ biến các nội dung, cung cấp kiến thức phòng, chống bệnh TCM đến từng người dân, hộ gia đình; đồng thời huy động các ban, ngành đoàn thể, người dân tham gia, phối hợp với ngành Y tế triển khai Chiến dịch rửa tay bằng xà phòng.
Ngoài các hoạt động truyền thông, ngành Y tế phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường giám sát ca bệnh; nắm chắc tình hình báo cáo kịp thời cho cấp trên để có chỉ đạo xử lý kịp thời tránh bệnh phát triển thành dịch.
* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Uyên Thu