Vụ hè-thu năm nay, huyện Thuận Nam sẽ xuống giống với diện tích gần 1.330 ha, trong đó: 870 ha lúa và 459 ha cây hàng năm, tập trung ở những vùng chủ động nước thuộc hệ thống thủy lợi hồ Tân Giang và hồ Sông Biêu (bao gồm các xã Nhị Hà, Phước Hà và một phần diện tích thuộc xã Phước Ninh). Do thiếu nước, toàn huyện sẽ ngừng sản xuất khoảng 900 ha lúa, thuộc 2 xã Phước Ninh với 500 ha và Phước Nam 400 ha.
Theo Trạm Thủy nông huyện Thuận Nam, tính đến thời điểm hiện nay lượng nước tại hồ Sông Biêu chỉ còn gần 6 triệu m3 và hồ Tân Giang còn khoảng 5 triệu m3; lượng nước tại hồ Bàu Ngứ, Suối Lớn và CK7 đều đã xuống mực nước “chết”, chỉ ưu tiên phục vụ nước sinh hoạt và chăn nuôi. Chính vì vậy, việc điều tiết nước hợp lý là rất quan trọng để không chỉ phục vụ sản xuất đối với diện tích gieo trồng mới mà còn duy trì sự phát triển cây trồng lâu năm hiện có trên địa bàn toàn huyện với diện tích gần 1.200 ha cùng trên 70 ha trồng cỏ chăn nuôi.
Nông dân Thuận Nam áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa,
nâng cao hiệu quả sản xuất.
Để tiết kiệm nước, tại hệ thống tưới từ kênh Nam hồ Sông Biêu chỉ phục vụ điều tiết nước luân phiên 2 lần/tháng (vào ngày 5 và 20 hàng tháng) đủ phục vụ sản xuất cây lâu năm và chăn nuôi cho người dân. Trong điều kiện khó khăn về nguồn nước tưới, địa phương cũng khuyến cáo nông dân cần xuống giống lúa đúng lịch thời vụ, tập trung vào đầu tháng 6 và kết thúc trước ngày 20-6. Trong chọn giống lúa, ưu tiên những giống ngắn ngày, dễ chăm sóc, có khả năng chống chịu được các loại sâu bệnh, cũng như đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm.
Về phương án thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong vụ hè-thu, toàn huyện sẽ chuyển đổi 104 ha đất sản xuất lúa vùng gò, kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và cây lâu năm với diện tích 29 ha (tập trung tại các xã: Phước Nam 20 ha, Nhị Hà 6 ha và Phước Hà 3 ha). Bên cạnh đó, thực hiện việc chuyển đổi 75 ha đất lúa sang trồng cây hàng năm tiết kiệm nước như: mì, bắp, mía, đậu và rau màu các loại. Trong điều kiện thiếu nước sản xuất nên vùng sản xuất cánh đồng lớn tại xã Phước Nam sẽ tạm ngưng thực hiện trong vụ hè-thu, chỉ tập trung sản xuất cánh đồng lớn tại xã Phước Ninh với quy mô 143 ha, trên cơ sở liên kết hỗ trợ của Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ Nông nghiệp Vụ Bổn về các dịch vụ sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho 185 hộ dân.
Ông Trần Quốc Hoàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam cho biết: Để thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sản xuất cánh đồng lúa lớn tại địa phương, huyện chủ động trích nguồn kinh phí dự phòng ứng trước cho các đơn vị, địa phương triển khai. Áp dụng theo Quyết định số 65/QĐ-UBND của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020, địa phương sẽ hỗ trợ 2,6 triệu đồng/ha cho việc chuyển đổi cây trồng cạn và 3,6 triệu đồng/ha chuyển đổi sang cây trồng lâu năm và cây ăn trái. Tổng kinh phí hỗ trợ sản xuất trong vụ hè-thu dự kiến khoảng 500 triệu đồng, trong đó gần 300 triệu đồng để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và hơn 200 triệu đồng thực hiện sản xuất cánh đồng lớn.
Hiện nay các phòng, ban cấp huyện và các địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp để ổn định sản xuất trong điều kiện khô hạn. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, sinh trưởng của cây trồng, kịp thời chỉ đạo các bộ phận chức năng và hỗ trợ nông dân thực hiện sản xuất; đẩy mạnh việc áp dụng các mô hình khuyến nông, các kỹ thuật sản xuất hiệu quả cho người dân. Mặt khác, có kế hoạch điều tiết nước phục vụ sản xuất đúng thời vụ, lưu ý nhu cầu sử dụng nước đối với các khu vực chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thực hiện mô hình sản xuất cánh đồng lúa lớn. Các địa phương, căn cứ tình hình thực tế có kế hoạch sản xuất cụ thể cho từng xứ đồng, triển khai gieo trồng theo đúng lịch thời vụ để thuận lợi cho việc điều tiết nước và phòng trừ sâu bệnh. Các ban, ngành, đoàn thể địa phương cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng phó với tình hình khô hạn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất vụ hè-thu năm 2018.
Anh Tuấn