Vụ đông-xuân vừa qua toàn huyện Ninh Sơn đạt tổng diện tích gieo trồng gần 6.520 ha. Hiện nay nông dân trên địa bàn huyện đã thu hoạch đạt gần xong diện tích các loại cây trồng trong vụ, đáng chú ý là nhiều cây trồng đạt năng suất khá như cây lúa, năng suất bình quân trên 63,2 tạ/ha, trong đó phần lớn các xã, thị trấn như: Tân Sơn, Lâm Sơn, Mỹ Sơn,... năng suất đạt từ 66,5 đến trên 68 tạ/ha; cây mì đạt năng suất bình quân gần 21 tấn/ha. Riêng cây mía với diện tích 3.996 ha, đến nay đã thu hoạch trên 60% diện tích với năng suất bình quân đạt 65 tấn/ha, dự kiến thu hoạch dứt điểm trong tháng 6. Đặc biệt, để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, huyện chú trọng chỉ đạo chuyển đổi cây trồng trong vụ từ cây lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn với diện tích gần 125 ha, tập trung tại 3 xã Lương Sơn, Lâm Sơn và Mỹ Sơn, vượt 33% kế hoạch đề ra.
Nông dân xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) thu hoạch cây mì niên vụ 2017-2018.
Theo dự báo, các nguồn nước hiện có trên địa bàn huyện tạm thời đủ để phục vụ cho chăn nuôi và sản xuất vụ hè-thu. Tuy nhiên, nếu tình hình khô hạn kéo dài trong 2 đến 3 tháng tới thì mực nước tại các sông, hồ trên địa bàn sẽ giảm mạnh, một số nơi cạn kiệt sẽ gây hạn hán cục bộ tại một số khu vực. Riêng các khu vực sản xuất phụ thuộc vào nước trời sẽ phải ngừng sản xuất vụ hè-thu với diện tích dự kiến khoảng trên 5.050 ha, trong đó nếu hạn hán xảy ra thì các xã chịu ảnh hưởng nặng nhất là các cánh đồng trên địa bàn toàn xã Quảng Sơn, đặc biệt là khu vực Suối Mây, Sông Dầu, Lương Giang,... với tổng diện tích khoảng 3.000 ha; xã Hòa Sơn với tổng diện tích khoảng 900 ha; xã Ma Nới có tổng diện tích khoảng 700 ha…
Theo kế hoạch của huyện, nếu thời tiết thuận lợi (có mưa và lũ tiểu mãn), vụ hè-thu toàn huyện sẽ gieo trồng 11.607 ha, trong đó nhóm cây lương thực gần 4.231 ha, cây tinh bột trên 2.558 ha, cây công nghiệp ngắn ngày 3.319,7 ha. Thế nhưng, trong tình huống “xấu nhất” là không đủ nước thì toàn huyện sẽ ngừng sản xuất 2.783 ha so với kế hoạch chung, trong số này cao nhất là nhóm cây tinh bột 2.062 ha, cây lương thực 375,5 ha, cây thực phẩm 332 ha. Về giống cây trồng, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng khuyến cáo nông dân đưa các giống mới vào sản xuất. Riêng đối với cây lúa cần sử dụng giống đã cấp xác nhận, giống phục tráng kết hợp áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, các kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp, đồng thời, chủ động tưới theo quy trình ướt-khô xen kẽ nhằm tiết kiệm nước. Đồng chí Đoàn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn cho biết: Đến nay, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các đơn vị, địa phương hướng dẫn nông dân sản xuất vụ hè - thu đúng theo lịch thời vụ, tập trung xuống giống dứt điểm để tránh tình trạng cùng trên một xứ đồng, nhưng có nhiều trà lúa khác nhau do bố trí lệch lịch thời vụ. Đặc biệt, đối với những nơi gieo trồng bị thiếu nước, vùng tưới bấp bênh, vùng cuối kênh, không kịp thời vụ hoặc có khả năng bị hạn, nếu thời tiết không có mưa thì các xã, thị trấn cần chủ động khuyến cáo nông dân chuyển đổi từ cây lúa sang một số cây trồng cạn, ít sử dụng nước như bắp, đậu các loại, cỏ chăn nuôi, hoặc tạm ngừng sản xuất cho đến khi có mưa nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.
Với tinh thần chủ động của huyện và kinh nghiệm ứng phó với hạn của nhiều nông hộ, hy vọng rằng Ninh Sơn sẽ đạt kết quả cao nhất trong vụ hè-thu.
Mai Dũng