Dự kiến vụ này toàn tỉnh sản xuất 21.213 ha cây trồng các loại; trong đó, cây lúa 12.593 ha, cây màu 8.674 ha. Kế hoạch chung là vậy, nhưng diện tích cây trồng ở những khu vực hưởng lợi, các hệ thống thủy lợi có sự tăng giảm khác nhau do phụ thuộc vào nguồn nước tưới nhiều hay ít. Khu vực sản xuất thuộc hệ thống Sông Pha-Nha Trinh-Lâm Cấm điều chỉnh theo hướng giảm trồng lúa, tăng trồng màu. Cụ thể, diện tích lúa 9.717,9 ha, giảm 249 ha; diện tích màu 4.054,9 ha, tăng 114,2 ha so với kế hoạch tỉnh giao. Trong khi đó, nước ở 11 hồ chứa: Sông Sắt, Trà Co, Cho Mo, Sông Trâu, Bà Râu, Ba Chi, Lanh Ra, Sông Bưu đảm bảo cho sản xuất 5.968,37 ha, tăng hơn 1.102 ha so với kế hoạch. Đối với những khu vực ở hồ Phước Trung, Phước Nhơn, Bàu Zon, Tà Ranh, Bàu Ngứ, Suối Lớn, Núi Một, CK7 ngưng sản xuất để dành nước cho chăn nuôi và sinh hoạt với tổng diện tích 6.438,65 ha; trong đó, lúa 4.022 ha, gồm 3.548 ha thuộc hệ thống các hồ đập, 474 ha thuộc hệ thống thủy lợi Sông Pha và đập dâng.
Nông dân xã Tân Hải (Ninh Hải) làm đất chuẩn bị xuống giống cây trồng vụ hè - thu. Ảnh: A.T
Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Để sản xuất ứng phó với khô hạn, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương thực hiện tốt công tác chuyển đổi cây trồng nhằm tiết kiệm nước tưới, nâng cao thu nhập cho nông dân và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ cho gia súc. Theo đó, toàn tỉnh chuyển đổi 762,3 ha, với các loại cây trồng chính như bắp, đậu xanh, táo, nho, măng tây xanh…; trong đó, huyện Thuận Nam 104 ha, Ninh Phước 73,7 ha, Ninh Hải 33,5 ha, Thuận Bắc 284 ha, Ninh Sơn 107,1 ha, Bác Ái 160 ha. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, ngành Nông nghiệp đưa ra giải pháp sử dụng nguồn nước hợp lý và tiết kiệm, giao Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện quy trình tưới “ướt khô xen kẽ”, tưới phun mưa, nhỏ giọt trên cây màu để giảm ít nhất 20% lượng nước so với tưới thông thường. Quản lý chặt chẽ nguồn nước, cương quyết không cấp nước cho những vùng nông dân tự ý sản xuất ngoài kế hoạch; đồng thời, điều tiết nước bổ sung từ hồ CK7 cho khu tưới hồ Tân Giang; hồ Ma Trai cho hồ Sông Trâu. Bên cạnh đó, ngành khuyến cáo nông dân chủ động cân đối nguồn nước, tận dụng dòng chảy tự nhiên từ sông, suối, nạo vét kênh mương để hạn chế thất thoát nước. Tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng trọt phù hợp với điều kiện khô hạn, như: mô hình xen canh, luân canh, áp dụng quy trình VietGAP đối với các loại cây trồng đặc thù có giá trị kinh tế cao.
Nông dân xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) chăm sóc cây đậu xanh.Ảnh: Văn Miên
Sản xuất vụ hè - thu tuy có gặp một số khó khăn do nắng hạn, tuy nhiên với sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng, các địa phương và quyết tâm cao của nông dân, tin rằng sẽ đạt được kết quả nhất định. Ghi nhận của chúng tôi, thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng cạn thích ứng với hạn hán, đến nay các địa phương đã tiến hành rà soát, xác định được quy mô, đối tượng cây trồng chuyển đổi; đồng thời, tổ chức triển khai Quyết định số 65/QĐ-UBND ngày 15-8-2017 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn để nông dân có điều kiện thực hiện các mô hình chuyển giao khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Các huyện cũng đã phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phù hợp với từng đối tượng cây trồng. Công tác liên kết với doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư, ký kết bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ được các tổ hợp tác, hợp tác xã chủ động thực hiện, tạo niềm tin, phấn khởi để bà con an tâm chuyển đổi cây trồng ổn định, lâu dài. Sát cánh cùng nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai một số mô hình trình diễn tiến bộ kỹ thuật về giống và công nghệ, đặc biệt là công nghệ tưới nước tiết kiệm trên địa bàn các huyện.
Anh Tùng