Đã nhiều lần nghe chuyện anh Hùng Ky một thời lam lũ trên vùng đất cát trồng đủ thứ cây nhưng vẫn không khá nổi, rồi tự nhiên “đổi đời” từ trồng MTX tôi vẫn ngờ ngợ. Bởi lâu nay, cứ nhắc đến địa danh thôn Tuấn Tú nhiều người ám ảnh cảnh đất cát nóng ran, gió bay mịt mù, ai dám chắc lại có những cánh đồng “tiền tỷ”. Về An Hải khi chớm đầu mùa hạn để “tai nghe, mắt thấy” loại cây được ví như “vàng xanh”, chúng tôi cùng hòa chung niềm vui với nông dân giữa cánh đồng MTX trải dài tít tắp. Thoạt đầu cứ tưởng đây là cây trồng bình thường, nhưng khi lại gần chứng kiến những búp măng non đồng loạt ngoi lên từ dưới lòng đất giữa cái nắng gay gắt của mùa hạn. Anh Hùng Ky, cho hay: Canh tác loại cây này nước tưới không cần nhiều, nhưng phải đủ. Mỗi sớm ban mai, bằng một động tác mở van hệ thống tưới phun mưa, nước tỏa đều kín ruộng, độ một giờ đồng hồ là cây “no” nước. Hộ trồng MTX vì vậy nhàn nhã, không phải “một nắng hai sương” mà ngày nào cũng có thu, sướng lắm. Ban đầu đây là cây “xóa đói, giảm nghèo”, nhưng đến nay thành cây làm giàu của nhiều nông hộ, diện tích không ngừng được mở rộng, hiện khoảng hơn 30 ha.
Sản phẩm măng tây xanh của nông dân xã An Hải được Công ty TNHH
Linh Đan Ninh Thuận bao tiêu với giá cao.
Một ngày rong ruổi cùng nông dân hàn huyên chuyện làm ăn, chúng tôi mừng vì bà con đã từ bỏ tư duy xưa cũ, thay đổi cách nghĩ, cách làm để biến cái bất lợi thành có lợi. Hình thức sản xuất bây giờ không còn kiểu “mạnh ai nấy làm”, thay vào đó là bà con liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư, chuyển giao khoa học - kỹ thuật đến thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm. Anh Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận “đồng hành” cùng nông dân nhiều năm nay, thổ lộ: Trước đây hộ trồng MTX gặp khó khăn do vốn đầu tư cao, nhất là cây giống lên đến 600 triệu đồng/ha. Hiện nay, nhờ có sự vào cuộc của doanh nghiệp, sự hỗ trợ của tỉnh, nông dân có điều kiện mở rộng diện tích canh tác, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế để phát triển. Tôi khẳng định Ninh Thuận nói chung và xã An Hải nói riêng có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp để sản xuất MTX chất lượng hàng đầu trong cả nước. Cuộc sống sung túc của bà con không dừng tại đây, mà còn được nâng lên nhiều lần trong tương lai gần. Trồng MTX nông dân chỉ lo sản xuất, đầu ra an tâm vì đã có doanh nghiệp đến tận ruộng thu mua, giá ổn định, giao động từ 60 - 80 ngàn đồng/kg, tính ra sản xuất 1 sào mỗi tháng cho thu nhập trên dưới 15 triệu đồng.
Chú trọng đưa vào canh tác loại cây trồng đặc thù ở vùng khô hạn, huyện Ninh Phước đã tìm được hướng đi riêng, tạo đột phá thúc đẩy nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới. Cũng nhờ biết cách tạo ra sự khác biệt trong sản xuất, mà thôn Tuấn Tú hiện nay có thêm nhiều ngôi nhà khang trang. Cuộc sống của nông dân còn được đong đầy no đủ, khi hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xúc tiến chuẩn bị đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước phục vụ sản xuất ở vùng khô hạn. Khi dự án đi vào hoạt động, diện tích MTX có thể mở rộng lên 200 ha, đưa xã An Hải trở thành vùng chuyên canh cây trồng đặc thù tập trung, quy mô lớn nhất tỉnh. Nghề trồng MTX ở địa phương đang trên đà phát triển nhờ có sự quan tâm của ngành chức năng trong chuyển giao công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp sử dụng phân bón chuyên dùng hòa tan trong nước cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, giảm công lao động vừa làm tăng năng suất. Nhiều giống măng tây xanh có khả năng kháng bệnh, năng suất cao như ATTicus F1 xuất xứ từ Hà Lan được Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận chuyển giao cho nông dân sản xuất thay thế dần các loại giống cũ đã dần thoái hóa. Công tác triển khai mô hình cánh đồng lớn sản xuất MTX cũng được huyện Ninh Phước quan tâm thực hiện, tạo cơ hội cho nhiều nông hộ tham gia chương trình, tiến tới làm giàu trên vùng đất cát.
Anh Tùng