Trong vụ đông- xuân 2017- 2018, nông dân huyện Ninh Phước xuống giống 9.729 ha cây trồng các loại, đạt 99,5% kế hoạch. Trong đó, cây lúa 5.270 ha, gồm 4.192 ha tưới từ hệ thống thủy lợi kênh Nam và 1.083 ha tưới từ các công trình hồ chứa nước; 1.838 ha lúa áp dụng biện pháp canh tác “1 phải, 5 giảm”; 666 ha lúa thực hiện mô hình cánh đồng lớn thu hút 1.736 hộ tham gia ở các xã Phước Hậu, Phước Thuận, Phước Thái và thị trấn Phước Dân. Cây bắp xuống giống 992 ha; bắp nhân giống 680 ha, thực hiện mô hình cánh đồng lớn 80 ha tại xã Phước Vinh. Diện tích trồng rau an toàn có 270 ha tập trung ở xã An Hải 180 ha và Phước Hải 90 ha. Cỏ trồng 411 ha cung cấp thức ăn cho đàn gia súc trên 105.780 con. Vụ đông-xuân sản xuất thuận lợi, nông dân đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa. Mô hình sản xuất lúa cánh đồng lớn đạt năng suất bình quân 74,8 tạ/ha, cao hơn 7,6 tạ; lợi nhuận 30,3 triệu đồng/ha, tăng thêm 9,1 triệu đồng so với lúa sản xuất đại trà. Đối với cây bắp nhân giống đạt năng suất bình quân 80 tạ/ha, giá bán 8.500 đồng/kg, lợi nhuận 44,7 triệu đồng/ha, cao hơn 21,8 triệu đồng so với sản xuất bắp thương phẩm.
Nông dân xã An Hải khai thác mạch nước ngầm lắp đặt hệ thống
tưới phun mưa canh tác hoa màu đạt năng suất cao.
Vụ hè- thu 2018 diễn ra trong điều kiện thời tiết khô hạn, các hồ chứa trên địa bàn huyện Ninh Phước xuống mực nước thấp nhất trong vài năm gần đây. Tính đến nay, lượng nước các hồ chứa chỉ còn 9,29 triệu m3/16,79 triệu m3 thiết kế. Để thích ứng thời tiết khô hạn, vụ hè- thu 2018, UBND huyện Ninh Phước chỉ đạo các địa phương xuống giống 8.282 ha cây trồng các loại, giảm 1.447 ha so với vụ đông- xuân. Trong đó cây lúa 4.171 ha chủ động tưới từ hệ thống kênh Nam; mở rộng mô hình cánh đồng lớn lên 766 ha thuộc 7 xã, thị trấn. Cây bắp thương phẩm gieo trồng 773 ha tập trung ở các xã Phước Vinh 350 ha, Phước Sơn 300 ha, Phước Thái 40 ha, Phước Hữu 35 ha. Chuyển đổi 73,7 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng ít sử dụng nước tưới như bắp, đậu xanh, cỏ, táo, nho, tập trung ở các xã Phước Thái 30 ha, Phước Hải 18,5 ha, Phước Thuận 11 ha... Tuy sản xuất trong điều kiện thời tiết khô hạn nhưng nông dân các địa phương đã chủ động khoan giếng khai thác mạch nước ngầm, lắp đặt hệ thống bơm tưới tiết kiệm nước. Đơn cử, nông dân thôn Tuấn Tú (xã An Hải) khai thác mạch nước ngầm bơm tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa cho 50 ha cây măng tây xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hoặc như ông Phùng Diệp Xuân ở khu phố 13 (thị trấn Phước Dân) khoan giếng lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt trồng cây dưa lưới, măng tây xanh trong nhà kính đem lại thu nhập cao.
Điều đáng quan tâm hiện nay, đó là huyện Ninh Phước tập trung chăm sóc ổn định số lượng, chất lượng đàn gia súc. Nông dân địa phương chăn nuôi 105.780 con gia súc, trong đó đàn bò có 24 ngàn con; dê, cừu trên 81 ngàn con, tập trung nhiều nhất ở các xã Phước Sơn 16.400 con, Phước Hữu 12.600 con, Phước Vinh 12.450 con, thị trấn Phước Dân 15.800 con...Nông dân chủ động trồng cỏ, dự trữ rơm rạ và lá nho, táo bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong những tháng khô hạn. UBND huyện Ninh Phước xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn nước uống cho đàn gia súc ở từng xã, thị trấn. Cụ thể, đàn gia súc của nông dân thị trấn Phước Dân sử dụng nguồn nước kênh Nam và sông Lu; đàn gia súc xã Phước Hữu sử dụng nguồn nước kênh Nam tại tràn mương Sa, sông Lu, ao Mu Lâm, ao Hậu Sanh, hồ Bàu Zôn; đàn gia súc xã Phước Vinh sử dụng nguồn nước ao Liên Sơn bơm từ kênh Nam, hồ Lanh Ra...Đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng tránh bệnh cho đàn gia súc trong những tháng mùa khô.
Sơn Ngọc