Một góc nông thôn mới xã Phước Thái, huyện Ninh Phước. Ảnh: Sơn Ngọc
Thực tế đáng ghi nhận là từ phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” do UBND tỉnh phát động, đến nay nhiều địa phương với những cách làm hay và sáng tạo đã thu hút được các nguồn lực đầu tư hạ tầng phục vụ cho sản xuất, tạo nên bộ mặt mới cho nông thôn theo các tiêu chí quy định. Không những vậy, có thể nói chưa bao giờ được nhiều nông hộ tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất, dỡ bỏ nhiều công trình kiên cố của gia đình để hưởng ứng việc làm đường giao thông trong thôn, xóm cũng như để xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ người dân địa phương và cũng chính cho gia đình họ…Bằng nhiều nguồn vốn đầu tư, theo thống kê đến nay các xã xây dựng NTM đã xây dựng trên 400 km đường giao thông nông thôn, đường nội đồng và hàng chục km kênh mương đã được bê tông hóa, kiên cố hóa đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và vận chuyển nông sản, giao thương, đi lại của người dân. Bên cạnh đó, bằng việc lồng ghép các chương trình, dự án khác, các công trình phúc lợi như trường học, y tế, cơ sở vật chất văn hóa, hệ thống cấp thoát nước … cũng được quan tâm đầu tư góp phần cải thiện đáng kể bộ mặt nông thôn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Không những vậy, từ kết quả đầu tư thực hiện Chương trình và lồng ghép các chương trình, dự án khác đã góp phần giảm số lượng hộ nghèo ở khu vực nông thôn, thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn tăng trưởng và phát triển bền vững, an sinh xã hội được đảm bảo. Người nghèo được hỗ trợ, cải thiện về điều kiện sống cả việc tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước và cộng đồng phục vụ cho phát triển kinh tế, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập…Với những kết quả đạt được, đến nay, toàn tỉnh đã có 16 xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 13,68 tiêu chí/xã và không còn xã dưới 7 tiêu chí.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn một số hạn chế trong quá trình xây dựng NTM như: Chất lượng NTM ở một số địa phương chưa cao, thiếu bền vững; đời sống vật chất, tinh thần người dân còn nhiều khó khăn, thu nhập còn thấp; các mô hình sản xuất có hiệu quả chưa được nhân rộng. Tính hợp tác, liên kết theo hướng tập trung từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chưa rõ nét. Vai trò của 4 nhà (nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, Nhà nước, nhà nông) trong sản xuất nông nghiệp chưa được phát huy đồng bộ. Thiết chế đời sống văn hóa ở nông thôn có nơi còn hạn chế. Vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nông dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn vẫn cần được quan tâm hơn...
Để khắc phục thực tế nêu trên, định hướng xây dựng NTM bền vững và phát triển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chỉ thị “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 50% số xã và có từ 1- 2 huyện đạt tiêu chí xây dựng NTM theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII. Thực hiện thắng lợi mục tiêu nói trên, một trong những yêu cầu đặt ra đối với các ngành, địa phương liên quan đó là cùng với việc quán triệt và cụ thể hóa Chỉ thị đã nêu bằng những nhiệm vụ cụ thể, sát hợp với thực tế theo tinh thần dễ hiểu, dễ thực hiện. Đồng thời, để phát triển kinh tế, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân, một mặt phải tái cấu trúc nông nghiệp để tạo ra một nền sản xuất hàng hoá, có năng suất, chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường. Một mặt phải đẩy mạnh phát triển kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn, bao gồm các sản phẩm ngành nghề truyền thống, các sản phẩm ngành nghề mới… Vấn đề không kém phần quan trọng trong việc phát triển vững chắc NTM là “Người dân phải là chủ thể tham gia sản xuất, tạo ra sản phẩm; lấy doanh nghiệp, HTX, tổ HTX làm động lực cung cấp dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, lo vốn, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm, phân chia lợi ích” như Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo...
HH