Những kết quả đáng ghi nhận
Với xuất phát điểm còn thấp từ những ngày đầu tỉnh nhà mới tái lập, đến nay nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc từ việc hình thành những vùng sản xuất chuyên canh đến nâng vị thế nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trên thị trường... Chỉ tính giai đoạn từ năm 2011 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các địa phương đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chương trình giống, nhân rộng mô hình sản xuất mới gắn với phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi đã đầu tư góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Tính đến năm 2015, giá trị sản xuất trên hecta đất canh tác bình quân đạt 98 triệu đồng/ha, tăng 40,88 triệu đồng/ha so với năm 2010. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa phục vụ công nghiệp chế biến. Bước đầu đã triển khai, áp dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo hướng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap...
Nông dân Ninh Sơn sử dụng máy móc vào khâu thu hoạch lúa.
Theo thống kê, tính đến năm 2015, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm từ trên 74.650 ha (năm 2010) tăng lên trên 79.640 ha, bình quân mỗi năm tăng gần 1.000 ha; trong đó cây lúa từ 37.746 ha tăng lên 42.830 ha. Sản lượng lương thực có hạt tăng từ 234,77 ngàn tấn (năm 2010) lên 315,2 ngàn tấn (năm 2015), bình quân mỗi năm tăng 6%... Năm 2016 vừa qua, mặc dù ảnh hưởng nặng nề của hạn hán kéo dài và trên diện rộng nhưng nhìn chung nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá với tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt gần 78.600 ha, tăng 11,9% so với năm 2015. Diện tích đất sản xuất mở rộng đã nâng sản lượng nhiều loại cây trồng tăng theo. Riêng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt, nếu thời điểm năm 1992 toàn tỉnh chỉ có trên 34.700 ha thì đến năm 2016 đã tăng lên trên 53.120 ha. Theo đó, sản lượng lương thực tăng từ gần 111 ngàn tấn lên trên 257,25 ngàn tấn, góp phần quan trọng nâng lương thực bình quân đầu người từ 259 kg (năm 1992) lên gần 428 kg (năm 2016). Trong sản xuất lương thực, lúa là cây chủ lực. Những năm qua, sản xuất lúa toàn tỉnh tăng đều và ổn định cả về diện tích, năng suất và vụ Đông-xuân trở thành vụ sản xuất chính trong năm. Nếu như năm 1992 năng suất lúa bình quân cả năm mới đạt 37,3 tạ/ha thì đến 2016 tăng lên 51,3 tạ/ha. Nho là cây đặc sản của tỉnh, đồng thời được công nhận là một trong tốp 50 đặc sản trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam, có giá trị kinh tế rất cao, đặc biệt với kỹ thuật thâm canh ngày càng cao, trong đó nhiều diện tích đã được nông dân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nên hiệu quả tăng đáng kể từ năng suất đến chất lượng sản phẩm. Thử so sánh: Năm 1992 toàn tỉnh có hơn 1.050 ha nhưng sản lượng chỉ đạt gần 11.500 tấn, đến năm 2016 diện tích chỉ tăng thêm 74 ha nhưng tổng sản lượng đã đạt trên 25.800 tấn. Táo xanh tuy chỉ mới phát triển từ năm 2010 đến nay nhưng đáng nói là qua kỹ thuật của nông dân đã trở thành giống cây ăn trái đặc sản của tỉnh, được thị trường ưa chuộng với diện tích hiện có trên 890 ha, tăng hơn 310 ha so với năm 2010, cho sản lượng trên 34.000 tấn. Đây là 2 trong hàng chục cây trồng được xem là cây “triệu phú” như nha đam, măng tây xanh... đã được nông dân phát triển trồng, mang lại nguồn lợi đáng kể cho nhiều nông hộ...
Nông dân thôn Thái An (xã Vĩnh Hải,Ninh Hải) chăm sóc nho. Ảnh: Mai Dũng
Một trong những nguyên nhân góp phần duy trì và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển là nguồn nước phục vụ sản xuất với hệ thống thủy lợi ngày càng được củng cố và tăng cường, tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương ngày càng tăng. Chỉ tính từ 2011 đến nay, tỉnh đã ưu tiên các nguồn vốn đầu tư hoàn thành 8 công trình thủy lợi như: hồ Lanh Ra, hồ Sông Biêu, hồ Bà Râu, 5 hồ chứa thuộc hệ thống thủy lợi nhỏ và vừa với tổng dung tích trên 66,5 triệu m3. Như vậy, nếu so từ năm 1992- năm đầu tái lập tỉnh- số lượng công trình thủy nông đã tăng từ 55 công trình lớn nhỏ lên trên 100 công trình, đưa năng lực tưới từ 11.122 ha lên gần 34.791 ha, chiếm gần 50 % tổng diện tích tưới chủ động trong toàn tỉnh...
Nổi bật trong sản xuất nông nghiệp những năm gần đây là chuyển đổi cơ cấu cây trồng để ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là từng bước phát triển sản xuất theo mô hình ứng dụng công nghệ cao theo tinh thần Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020”. Nhìn chung, trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện đạt hiệu quả cao như: Đã hình thành những vùng sản xuất thâm canh tập trung giống lúa, bắp lai… ở quy mô thương mại, hằng năm cung cấp cho thị trường từ 10-12 ngàn tấn lúa giống và 1-2 ngàn tấn bắp giống; nhân rộng mô hình sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm” với diện tích trên 8.000 ha, góp phần giảm chi phí, năng suất và hiệu quả kinh tế tăng 30% so với hình thức canh tác cũ… qua đó đã thu hút trên hàng chục ngàn nông hộ tham gia. Đặc biệt, việc chuyển đổi cây trồng, nhất là trên đất lúa để tiết kiệm nước được chú trọng. Trong năm qua, toàn tỉnh đã có 2.036 ha được chuyển đổi sang cây trồng cạn, vượt 32,55%; góp phần tăng lợi nhuận trên 8,5 triệu đồng/ha so với trồng lúa. Quan trọng hơn là qua chuyển đổi cây trồng đã từng bước giúp nông dân tiếp cận phương pháp canh tác cây trồng cạn, thay đổi cây trồng truyền thống tốn nhiều nước tưới để thích ứng với hạn hán; phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt của tỉnh... Hay nói khác hơn là thay đổi nhận thức của nhiều nông hộ hướng đến sản xuất nông nghiệp có “hàm lượng” kỹ thuật cao gắn với nhu cầu thị trường...
Doanh nghiệp thu mua tỏi Vĩnh Hải vô bao đưa ra thị trường tiêu thụ.
Nhiều thách thức còn ở phía trước
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà vẫn còn không ít những thách thức. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, sản xuất nông nghiệp vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên mặc dù hệ thống thủy lợi, hồ đập có phát triển và tương đối hoàn chỉnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, góp phần giảm nhẹ thiệt hại thiên tai. Do vậy, hầu như hàng năm nếu không xảy ra lũ lụt thì cũng có hạn hán thiếu nước tưới làm ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và mở rộng diện tích cây trồng và vật nuôi.
Tác động của công nghiệp vào nông nghiệp còn hạn chế, cộng với sản xuất quy mô nhỏ lẻ còn phổ biến dẫn đến khó áp dụng công nghệ cao và kiểm soát an toàn thực phẩm. Mặt khác, chưa đẩy mạnh được việc xây dựng các chuỗi liên kết kinh tế trong sản xuất, ưu tiên đầu tư và hỗ trợ phát triển, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm nông sản có lợi thế, có giá trị như cây nho, táo, hành tỏi… để nâng cao giá trị sản xuất và quảng bá thương hiệu nông sản của tỉnh trên thị trường nông sản trong và ngoài tỉnh. Thị trường nông thôn chưa đáp ứng được hệ thống tiêu thụ sản phẩm liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, dẫn đến giá các loại nông sản sản xuất có số lượng lớn như nho, mía, mỳ... chưa có tính ổn định. Ngược lại, giá đầu vào nông nghiệp như: phân bón, thuốc trừ sâu,... liên tục tăng và có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng giá của sản phẩm nông nghiệp, vì vậy đã làm thu nhập của nông dân tăng không cao dù cho nông nghiệp được mùa...
Nông dân xã Phước Hậu (Ninh Phước) phát triển cây táo đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.M
Để sản xuất nông nghiệp của tỉnh thực sự bền vững trong giai giai đoạn phát triển mới, thuận lợi rất cơ bản là ngày 11-11-2016, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU “Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030”. Theo định hướng của Nghị quyết, mục tiêu cần vươn tới là khai thác tốt nhất lợi thế của vùng tiểu khí hậu khô hạn; thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; tập trung thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh việc hình thành và phát huy hiệu quả của mô hình liên kết “4 nhà”; thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm; tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm đặc thù, có lợi thế của tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, nâng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân vùng nông thôn.
Trước mắt, tập trung triển khai thực hiện 3 khâu đột phá trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp: Một là, đầu tư hạ tầng thủy lợi; hai là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù, có lợi thế của tỉnh; ba là, thu hút và phát triển doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.
Có thể nói, thành quả đạt được 25 năm sẽ là những kinh nghiệm quý đối với ngành nông nghiệp, tạo nền tảng vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn tới, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế cho nông dân trong tỉnh, nhất là trong năm 2017 này.
Mai Dũng