Nếu như trước đây người dân phải mất rất nhiều thời gian để thực hiện các khâu từ cày, xới đất, gặt lúa thủ công, huy động nguồn nhân lực lớn, thì hiện nay mọi công đoạn đều được ứng dụng cơ giới hóa, nông dân không phải bỏ ra nhiều công sức, khâu làm đất được thực hiện nhanh hơn, dẫn đến thời gian “phơi ải đất” được lâu hơn. "Làm ruộng hiện nay đã giảm hơn 70% ngày công lao động. Lúc trước, tôi phải thuê bò cày đất, khi thu hoạch lúa thì thuê người cắt bằng tay, thuê người gánh, rồi thuê xe chở, máy tuốt lúa...vừa tốn kém, lại hao hụt nông phẩm sau thu hoạch. Bây giờ cơ giới hóa hết rồi nên nông dân cũng bớt khổ. Lúa chín, chỉ cần gọi là có xe liên hợp vào tận ruộng gặt lúa, đóng bao, gom rơm...", chị Lê Thị Hòa (thôn Lương Cang, xã Nhơn Sơn, Ninh Sơn) vui vẻ nói.
Nông dân Ninh Sơn sử dụng máy móc vào khâu thu hoạch lúa.
Để có bước chuyển biến đó, những năm qua huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân mua sắm các thiết bị nông nghiệp, đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng, triển khai các chương trình khuyến nông… nhằm tạo thuận lợi cho việc cơ giới hóa trong sản xuất. Ông Bùi Văn Du (thôn Núi Ngỗng, xã Nhơn Sơn) đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để sở hữu chiếc máy cày Kubota đa năng với công suất lớn, có thể gắn các dàn máy cuộn rơm, máy kéo, máy sạ hàng, máy xới đất… cứ đến mùa, tùy theo công việc mà ông thay đổi dàn máy cho phù hợp. Ông Du chia sẻ: Đầu tư cơ giới giảm rất nhiều thời gian, chi phí; trong khoảng 30 phút là máy gặt đập liên hợp đã thu hoạch xong 1 sào lúa, khi rơm khô là đến công đoạn của máy cuộn rơm; khoảng 20 phút là máy cuộn rơm đã dọn dẹp xong 1 sào ruộng và cho ra thành phẩm khoảng 20 cuộn, bảo quản rơm cũng gọn hơn, dễ vận chuyển, nên tôi có thể thu mua đi bán cho các tỉnh khác.
Cũng như ông Du, ông Đặng Đức Bình người có thâm niên trồng lúa hơn 20 năm ở thôn Trà Giang, xã Lương Sơn cho biết, với diện tích đất hơn 3ha, ông đầu tư gần 300 triệu đồng mua máy sạ hàng, máy xới đất cầm tay, máy cày vận chuyển nông sản. Nếu như trước đây cày 1 sào ruộng lấy bò làm sức kéo phải mất cả ngày thì nay với diện tích đó chỉ mất khoảng 30 phút là cày xong; đến mùa thu hoạch lúa, thuê máy gặt với giá 220 ngàn đồng/sào, tiết kiệm chi phí hơn cách làm truyền thống. Ngoài ra, ông còn bán được rơm khoảng 200-300 ngàn đồng/sào nhờ có máy cuộn rơm.
Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn cho biết: Hiện nay, máy móc nông nghiệp trên địa bàn đã hỗ trợ rất lớn vào các khâu làm đất, thu hoạch. Toàn huyện có tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất chiếm khoảng 90%, với gần 1.000 máy kéo các loại, máy gặt, máy tách hạt, máy phun thuốc...; đặc biệt số lượng và chủng loại máy tăng lên nhiều trong những năm gần đây. Đó có thể xem là bước tiến quan trọng chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang hiện đại, làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Tuy nhiên cũng theo bà Bình, nông dân áp dụng cơ giới trong sản xuất nông nghiệp với đa số các loại máy móc có công suất vừa và nhỏ, các loại máy công suất lớn đòi hỏi chi phí cao, kèm theo đó đòi hỏi nông dân phải có thế chấp cao với ngân hàng, nhưng nông dân lại không đủ tài sản thế chấp. Đó cũng là khó khăn khi nông dân muốn đầu tư thiết bị công suất lớn, vì vậy mong có chính sách thông thoáng hơn nữa cho nông dân tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất.
Kim Thùy