Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông nghiệp- Lương thực của Liên Hợp quốc (FAO), vi rút cúm A/H7N9 đã được phát hiện trên gia cầm hoặc môi trường hoặc người ở 16 tỉnh, thành phố của Trung Quốc, trong đó có một số tỉnh giáp với biên giới phía Bắc của nước ta. Trong khi đó, các hoạt động buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Vì vậy, nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút độc lực cao khác (A/H5N2, A/H5N8) tuy chưa có ở Việt Nam nhưng khả năng xâm nhập trong thời gian tới là rất cao, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và những tỉnh có nhiều hoạt động buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Hơn thế nữa, gia cầm mắc chủng cúm A/H7N9 không hề chết hoặc có biểu hiện ra ngoài như các chủng vi rút khác làm cho công tác phòng chống cúm gia cầm càng khó khăn hơn, đe dọa sức khỏe cộng đồng và có thể gây bất ổn cho kinh tế, xã hội.
Cán bộ Trạm Thú y huyện Ninh Sơn tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm ở xã Lương Sơn.
Ảnh: Nguyễn Sơn
Trong nước, với diễn biến bất lợi của thời tiết cộng với sự lơ là, chủ quan, thiếu cảnh giác, đề phòng…của người chăn nuôi đã tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Và thực tế đã xảy ra ở một số tỉnh. Theo thông tin từ Cục Thú y, tính đến đầu tháng 3-2017 cả nước đã có 13 ổ dịch cúm gia cầm tại 7 tỉnh, trong đó có 12 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 và 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6. Theo nhận định của Cục Thú y, nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng vi rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, AH5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc…Riêng đối với tỉnh ta, từ đầu năm đến nay nhờ thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến tận cơ sở, tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát tốt vận chuyển gia cầm quá cảnh xuất nhập ra vào tỉnh…nên không để dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên không thể lơ là “mất cảnh giác”. Qua tìm hiểu của chúng tôi, ở một số địa phương hiện có không ít điểm kinh doanh mua bán gia cầm sống nhưng việc kiểm dịch đầu vào chưa chặt chẽ, không thường xuyên tiêu độc, khử trùng. Tình trạng giết mổ gia cầm nhỏ lẻ sát các điểm mua bán gia cầm diễn ra…rất bình thường, thiếu sự kiểm soát của nhân viên thú y. Không chỉ người buôn bán gia cầm sống mà ngay cả người tiêu dùng vẫn thờ ơ với dịch có thể xảy ra, trong khi vi-rút cúm độc lực cao có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng con người…
Cảnh giác trước dịch cúm gia cầm có thể xâm nhập vào tỉnh ta, yêu cầu đặt ra là các ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 21-2-2017 của Chủ tịch UBND tỉnh “Về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh năm 2017”. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản chỉ đạo tăng cường phòng, chống dịch cúm gia cầm. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ban, ngành và các lực lượng liên quan của địa phương tăng cường thực hiện việc ngăn chặn nhập lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các chợ đầu mối. Đồng thời, tổ chức tốt việc giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh trên gia cầm và ở người; tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm; tổ chức chiến dịch tuyên truyền về tình hình dịch bệnh gia cầm có thể xâm nhập và lây lan trong cộng đồng, các biện pháp vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, các yếu tố nguy cơ của việc sử dụng gia cầm không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc và các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm; tổ chức các đoàn kiêm tra liên ngành kiểm tra, giám sát, đánh giá sự sẵn sàng phòng chống dịch và chỉ đạo việc thực hiện phòng chống dịch cúm gia cầm tại địa phương…
Tin rằng bằng chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của UBND tỉnh, thực hiện nghiêm túc của các ngành, địa phương liên quan và ý thức của người dân trước nguy hại của dịch cúm…sẽ hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xảy ra.
HH