Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Đơn vị vừa phối hợp khảo sát, bước đầu xác định được 12 sản phẩm (nho, táo, tỏi, măng tây, nha đam, dê, cừu, tôm giống, nước mắm, muối, rong sụn, trái cây Sông Pha) cần khai thác phát triển. Tuy nhiên, chưa có cơ sở khẳng định các sản phẩm trên có những yếu tố khác biệt về chất lượng và đặc thù so với mặt hàng cùng loại ở các địa phương khác. Đơn vị đã kiến nghị với UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng đề án khảo sát phân tích chất lượng, sớm công bố sản phẩm đặc thù để quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
Nông dân thôn Thái An (xã Vĩnh Hải,Ninh Hải) chăm sóc nho.
Ảnh: Mai Dũng
Liên quan vấn đề này, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương xúc tiến xây dựng danh mục sản phẩm đặc thù, theo hướng mỗi huyện chọn một sản phẩm, cách làm này tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện rất thành công. Trên địa bàn tỉnh có nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao, ngoài nho, tỏi, cừu, tôm giống, thì gần đây nông dân còn canh tác thêm các loại cây có lợi thế như măng tây xanh ở An Hải (Ninh Phước), Văn Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm); bưởi da xanh ở Phước Bình (Bác Ái)… Về chất lượng những mặt hàng trên được người tiêu dùng đánh giá là vượt trội so với sản phẩm cùng loại sản xuất ở nơi khác. Đầu ra sản phẩm rất rộng, tuy nhiên hình thức sản xuất nhỏ lẻ hiện nay chưa tạo ra được khối lượng hàng hóa dồi dào cung cấp cho thị trường. Hạn chế này đặt ra yêu cầu, khi lựa chọn sản phẩm đặc thù của tỉnh bên cạnh tiêu chí chất lượng, giá trị sản phẩm, cần xem xét đến việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Tỉnh đang chuẩn bị triển khai xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao quy mô 300 ha ở xã An Hải (Ninh Phước); trong đó, ưu tiên phát triển cây măng tây xanh cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, lấy đây là mô hình điểm làm cơ sở nhân rộng ra nhiều đại phương khác.
Chương trình Phát triển sản phẩm đặc thù là “câu chuyện” dài, sau khi chọn được mặt hàng ưu tiên đầu tư phát triển, bước tiếp theo là xây dựng điểm kinh doanh, giới thiệu sản phẩm phục vụ khách du lịch đến tỉnh ta. Thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ: Cơ sở kinh doanh dê, cừu Triệu Tín và Công ty TNHH Yến sào Ninh Thuận vừa đăng ký làm đầu mối kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc thù của tỉnh. Việc doanh nghiệp tích cực tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm là tín hiệu vui, góp phần quan trọng vào phát triển sản phẩm đặc thù của tỉnh.
Anh Tùng