Thực hiện thành công Chương trình xây dựng cánh đồng lớn sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Hiện trên địa bàn huyện đang thực hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả. Đơn cử, các mô hình liên kết sản xuất lúa giống, bắp giống ở xã Phước Hậu, Phước Sơn, Phước Vinh… áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới đã nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. Đất đai màu mỡ, thủy lợi, hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng đồng bộ cũng là điều kiện thuận lợi để chuyển giao khoa học và công nghệ vào sản xuất, đảm bảo được tiêu chí CĐL. Theo kế hoạch, vụ hè - thu tới CĐL sản xuất lúa quy mô 50 ha sẽ được triển khai ở xã Phước Hậu, sau đó áp dụng trên cây bắp, nho, măng tây, hướng tới hình thành nền nông nghiệp hiện đại với những vùng tập trung chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Đồng chí Nguyễn Đô, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho biết: Xác định xây dựng CĐL là giải pháp quan trọng, góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, xã tập trung thực hiện chương trình có hiệu quả. Hiện nay, đã chọn được khu vực sản xuất ở cánh đồng nằm giáp ranh giữa thôn Trường Sanh và Trường Thọ. Nhìn chung, công tác chuẩn bị cho thực hiện CĐL từ lựa chọn doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã hoàn tất. Tuy vậy, vẫn còn một số vướng mắc đang tập trung tháo gỡ. CĐL là liền bờ, liền thửa, trong khi tâm lý nông dân còn ngần ngại chưa sẵn sàng “dồn điền”, nếu không “khai thông” tư tưởng của bà con thì chương trình dễ bị ách tắc. Tại cuộc họp bàn về giải pháp thực hiện mô hình CĐL tổ chức tại huyện Ninh Phước vừa qua, đại diện Công ty TNHH Hạt giống Cổ phần Việt Nam đề xuất cho doanh nghiệp thuê đất của nông dân tổ chức sản xuất theo hướng tập trung ứng dụng công nghệ cao. Với hình thức này, nông dân sẽ trở thành công nhân làm việc trên chính đồng đất của mình. Cũng có ý kiến đề cao vai trò HTX trong vận động nông dân hợp nhất vùng, thửa, canh tác cùng một loại cây trồng, cùng quy trình công nghệ.
Xây dựng CĐL là “câu chuyện” không mới, nhiều nơi đã thực hiện thành công, nhưng khi áp dụng vào tỉnh ta phải thận trọng, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của nông dân sở tại. Đề cập đến vấn đề này, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo: Chủ trương của tỉnh trong “tích tụ” ruộng đất hình thành CĐL là nhất quán, nhưng “tích tụ” không có nghĩa là để cho nông dân mất tư liệu sản xuất. Xây dựng CĐL phải có thời gian, theo lộ trình nhất định, trước mắt chỉ dừng ở khâu tổ chức lại sản xuất bằng hình thức tạo điều kiện cho nông dân liên kết với doanh nghiệp, HTX sản xuất đảm bảo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Khi nông dân thấy được lợi ích của việc liên kết sản xuất ứng dụng công nghệ cao, bà con sẽ tự nguyện liền bờ, liền thửa, lúc đó chương trình xây dựng CĐL mới thực sự thành công.
Để nông dân tự nguyện tham gia xây dựng CĐL, theo đồng chí Nguyễn Đô, cách làm của huyện sắp tới là vận động đảng viên, các dòng tộc gương mẫu đi đầu trong việc xóa bờ liên kết sản xuất tập trung. Những khu vực địa hình thiếu bằng phẳng, chưa có sự đồng thuận cao của nông dân thì vẫn giữ nguyên bờ thửa, chỉ tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị có tính đồng nhất về quy trình công nghệ.
Ghi nhận của chúng tôi, Ninh Phước rất quan tâm đến Chương trình xây dựng CĐL, có sự đồng thuận cao trong thực hiện chương trình. Không riêng gì xã Phước Hậu - nơi được chọn triển khai môi hình đang hối hả vào cuộc, mà xã Phước Vinh cũng mong muốn tỉnh cho chủ trương xây dựng CĐL sản xuất bắp giống. Đồng chí Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phước Vinh, cho biết: Trên địa bàn có quỹ đất 700 ha hội đủ điều kiện triển khai CĐL. Hơn 10 năm nay, bà con liên kết với các doanh nghiệp sản xuất bắp giống mang lại nhiều lợi ích, nên đồng thuận cao với chủ trương của tỉnh, mong muốn được thực hiện mô hình CĐL càng sớm càng tốt.
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của đông đảo nông dân, tin rằng Ninh Phước sẽ là “điểm sáng” của tỉnh trong thực hiện thành công Chương trình xây dựng CĐL.
Anh Tùng