Tín hiệu mới từ nghề nuôi ốc hương ở Phước Dinh

(NTO) Là một xã ven biển, Phước Dinh (Thuận Nam) có lợi thế về nuôi trồng thuỷ sản với diện tích mặt nước thả nuôi hằng năm khoảng 400 ha. Ngoài nuôi tôm thịt chiếm phần lớn, Phước Dinh còn phát triển mô hình nuôi ốc hương trên cát, bước đầu cho thấy kết quả rất khả quan. Tuy nhiên gần đây có ý kiến cho rằng nuôi ốc hương sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới nghề nuôi tôm thương phẩm. Thực tế có như vậy không?

Trước hết, khách quan mà nói, nuôi ốc hương là phù hợp với xu hướng đa dạng đối tượng nuôi theo khuyến khích của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cách đây 2 năm, tại thôn Từ Thiện (Phước Dinh) có một số người nuôi từ nơi khác đến thuê lại các ao, đìa nuôi tôm bỏ hoang để nuôi ốc hương với diện tích ban đầu khoảng 5-7 ha.

Mô hình nuôi ốc hương trên cát tại thôn Từ Thiện.

Thấy hiệu quả, các hộ nuôi địa phương có ao, đìa thường xuất hiện dịch bệnh trên tôm chuyển dần sang nuôi đối tượng trên. Đến nay dọc vùng ven biển Phước Dinh, chủ yếu là ở thôn Từ Thiện và Bắc Sơn Hải đã phát triển diện tích nuôi ốc hương lên hơn 20 ha, chiếm tỷ lệ gần 69% diện tích nuôi ốc hương hiện có của toàn tỉnh (29 ha). Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh, nếu ở Mỹ Tân (Thanh Hải, Ninh Hải) nuôi theo hình thức nuôi lồng, Tân An (Tri Hải, Ninh Hải) nuôi ao đất, thì tại vùng Từ Thiện, Bắc Sơn Hải lại nuôi trên cát trải bạt, nhưng cho năng suất thu hoạch cao gấp 8-10 lần so với hình thức nuôi ốc trong ao đất.

Nhìn lại năm qua có thể thấy trong khi hoạt động nuôi tôm thương phẩm gặp khó khăn, thì một số đối tượng nuôi và phương thức nuôi mới có dấu hiệu tăng trưởng khá. Đơn cử ốc hương, với sản lượng thu hoạch đạt khoảng 393 tấn, đã tăng gấp 5 lần so với năm 2014; với giá bán khá cao, dao động 180.000 - 220.000 đồng/ kg (loại 130 con/ kg), hầu hết người nuôi đều có lãi. Ở Từ Thiện, trung bình với diện tích nuôi 5 sào, qua vụ thu hoạch vừa rồi có nhiều người lãi 2-3 tỷ đồng. Anh Nguyễn Phi Hùng có 1 ha đìa, trong đó có 5 sào thả nuôi trên 2 tháng cho biết: “Ốc hương mỗi năm chỉ nuôi 1 vụ, thời gian nuôi 7-8 tháng, tuy đầu tư vốn gấp đôi nuôi tôm nhưng cho thu nhập gấp 2,3 lần và không sợ bị rủi ro do dịch bệnh”. Có thể nói về mặt kinh tế, nuôi ốc hương đem lại hiệu quả thấy rõ. Song do mùi hôi đặc trưng của ao nuôi ốc hương, nhiều hộ nuôi tôm lân cận sợ rằng ao đìa nuôi ốc hương lẫn lộn trong vùng sẽ làm ảnh hưởng nghề nuôi tôm.

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh, ngay từ khi khởi phát nghề nuôi ốc hương, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục NTTS tỉnh hướng dẫn các hộ nuôi ốc hương trên cát thu gom, xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường xung quanh và thường xuyên giám sát chặt chẽ. Trong thời gian qua chưa có bằng chứng nào về tác động xấu của nghề nuôi ốc hương đến nuôi tôm. Điều đáng nói là không những đem lại hiệu quả kinh tế cao mà việc chuyển đổi đối tượng nuôi như ốc hương còn giúp cải tạo môi trường ao. Anh Bùi Xuân Thái, một người nuôi tôm trong vùng Từ Thiện thừa nhận những đìa nuôi ốc hương sát bên đìa anh không gây ô nhiễm gì, ngược lại so ra ao nuôi tôm còn bẩn hơn nhiều. Trong thực tế, các ao đìa nuôi ốc hương phải thay nước hằng ngày nên nước luôn sạch, thức ăn cho ốc hương dù tươi sống nhưng không bao giờ bỏ thừa trong ao nên không gây ô nhiễm.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện có nhiều ao, đìa nuôi tôm tại Từ Thiện, Bắc Sơn Hải có xu hướng chuyển dần sang nuôi ốc hương nên khả năng diện tích nuôi ốc hương còn mở rộng thêm trong năm nay. Điều này khẳng định ốc hương là đối tượng nuôi mới được đông đảo người nuôi quan tâm lựa chọn.