Hiệu quả từ tưới nhỏ giọt

(NTO) Nhơn Hải là địa bàn nằm trong vùng “tâm hạn” của huyện Ninh Hải. Hồ Ông Kinh có sức chứa trên 800 ngàn m3 nước đã rơi vào tình trạng khô kiệt. Chị Lê Thị Hòa là một trong những nông hộ ở thôn Mỹ Tường 2, đã nỗ lực chống hạn bằng giải pháp chuyển đổi cây trồng ít sử dụng nước, khoan giếng lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt đem lại hiệu quả thiết thực.

 
Chị Lê Thị Hòa chăm sóc vườn trôm tưới nhỏ giọt.

Chị Hòa đưa chúng tôi đi thăm khu vườn rộng 2ha trồng cây trôm xen canh nha đam phát triển xanh tốt giữa mùa khô hạn tháng ba. Qua trao đổi, chúng tôi được biết, những năm trước, gia đình chị trồng nho, hành tỏi từ nguồn nước giếng đào kết hợp tưới bổ sung từ hồ Ông Kinh. Do nắng hạn kéo dài hơn hai năm qua, nguồn nước cạn kiệt, không đủ tưới cho các loài cây ngắn ngày, chị quyết định chuyển sang trồng cây trôm xen canh nha đam theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. Chị Hòa trồng 3.000 cây trôm trên diện tích 2ha, chung quanh mỗi gốc trôm trồng xen 6-8 gốc nha đam. Chị đầu tư trên 80 triệu đồng khoan giếng kết hợp lắp đặt hệ thống dẫn nước bơm tưới nhỏ giọt cho từng gốc trôm. Cây nha đam trồng xen canh được “hưởng lợi” từ nguồn nước tưới cho cây trôm sinh trưởng tốt.

Trước khi chuyển dịch cây trồng, chị Hòa đã vào xã Phước Dinh tìm hiểu, học tập mô hình trồng trôm trên vùng đất khô hạn của nông dân Sơn Hải. Nhìn thấy hiệu quả kinh tế của cây trôm cho thu nhập ổn định, ít sử dụng nước tưới, khả năng chịu hạn cao, ít sâu bệnh hại, nên chị mua hạt giống từ Sơn Hải đưa về gieo trồng trên đồng đất Mỹ Tường. Qua hơn một năm, cây trôm vườn nhà chị Hòa sinh trưởng tốt, cây cao trung bình 1,2-1,5m, đường kính gốc 10-15cm, dự kiến thu hoạch lứa mủ trôm đầu tiên vào cuối năm nay. Cây nha đam trồng xen canh dưới gốc trôm cũng đã nảy chồi, cứng bẹ, có khả năng cho thu hoạch trong vài tháng tới.