Ninh Hải: Dồn sức ứng phó hạn hán

(NTO) Trước tình hình hạn hạn hán đang diễn ra gay gắt, kéo dài làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân, huyện Ninh Hải đang tập trung chỉ đạo sát sao các biện pháp chống hạn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.

Ảnh hưởng của hạn hán

Do nắng hạn kéo dài đã làm mực nước các hồ trên địa bàn huyện Ninh Hải xuống mức rất thấp, tại Hồ Thành Sơn còn 640.000 m3/2.650.00 m3, Hồ Nước ngọt còn 1.513.000 m3/ 1.800.000 m3, riêng tại Hồ Ông Kinh đến thời điểm này đã hết nước. Nắng hạn cũng đã ảnh hưởng lớn tới nước sinh hoạt của người dân, toàn huyện có 224 hộ/879 khẩu thiếu nước sinh hoạt, tập trung tại thôn Khánh Tân, xã Nhơn Hải, ngoài ra hoạt động sản xuất của người dân cũng bị thiệt hại và ảnh hưởng nặng nề, do không có nước tưới nên 150ha lúa tại khu vực hồ Thành Sơn, 3,4 ha tại xã Vĩnh Hải, 26 ha tại xã Tri Hải, 36,6 ha tại xã Nhơn Hải không sản xuất được. Hiện tại 15 ha lúa đang trổ bông tại xã Tri Hải bị thiếu nước, người dân phải bơm giếng khoan để cứu. Diện tích thiếu nước và xâm nhập mặn không sản xuất đối với cây trồng thực phẩm như hành, tỏi, rau đậu là 77,5 ha. Người dân cũng buộc phải phá gốc 3 ha nho tại xã Nhơn Hải, trong thời gian tới nguy cơ thiếu nước sản xuất đối với loại cây trồng này khoảng 30 ha tại hồ Ông Kinh. Còn đối với cây táo hiện nay đã phá gốc 1 ha và thiếu nước sản xuất 19 ha tại thôn Khánh Tân, xã Nhơn Hải.

Nhờ chủ động đào ao, khoan giếng nhiều hộ dân đã có nước phục vụ cho sản xuất.

Dồn sức chống hạn

Đứng trước tình hình hạn hạn có nguy cơ kéo dài, huyện Ninh Hải đã huy động cả hệ thống chính trị dồn sức tập trung chống hạn. Ngay đầu vụ đông-xuân 2015-2016 đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể kế hoạch sản xuất cho từng vụ, từng vùng phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời đề ra một số giải pháp về dân sinh, sản xuất, điều tiết nước, phòng chống dịch bệnh, phòng cháy, chữa cháy rừng và giao nhiệm vụ cho từng ngành, địa phương chủ động phối hợp triển khai. Bên cạnh đó huyện cũng chỉ đạo sát sao việc ứng phó với hạn hán gắn với chuyển đổi cơ câu cây trồng. Theo kế hoạch, vụ đông-xuân 2015-2016 huyện triển khai chuyển đổi 36,35 ha từ đất màu, đất lúa kém hiệu quả và khó khăn về nguồn nước tưới sang trồng các loại cây ít sử dụng nước như: Bắp, cỏ, đậu xanh. Đến thời điểm hiện nay, nông dân đã xuống giống được 32 ha (5,35 ha cỏ, 13,65 ha bắp và 13 ha đậu xanh) đạt trên 89% kế hoạch. Ngoài ra, thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động thực hiện các giải pháp chống hạn, người dân đã tự chuyển đổi trồng 52 ha bắp, cỏ, đậu xanh, dưa hấu, dưa hồng kim. Đến nay, nhìn chung các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, qua đó góp phần cải thiện thu nhập cho người dân và tạo nguồn thức ăn dự trữ cho đàn gia súc trong mùa khô hạn. Bên cạnh đó, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả để ứng phó với hạn hán đã được người dân thực hiện, đã không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại từ sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân đã chủ động đào ao, khoan giếng để phục vụ sản xuất cho gia đình.

Đồng chí Lưu Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nhằm hạn chế thấp nhất về thiệt hại và đảm bảo an sinh xã hội trước tình hình hạn hán, trong thời gian tới, huyện đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác chống hạn như: Sử dụng nước tiết kiệm, ứng dụng nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Tập trung chuyển đổi 140 ha cây trồng trong năm 2016, di chuyển đàn gia súc đến những nơi thuận lợi về nguồn nước và thức ăn; tăng cường kiểm tra quản lý chặt chẽ các nguồn nước hiện có, phối hợp xây dựng kế hoạch và điều tiết nước hợp lý đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho nhân dân và phục vụ sản xuất; tổ chức nạo vét kênh, mương, giếng, ao, hồ, tìm nguồn nước phục vụ dân sinh và sản xuất. Bên cạnh đó huyện ngăn cấm tuyệt đối việc sản xuất tại những nơi không có nguồn nước tưới để tránh thiệt hại cho người dân.