Ninh Phước nhiều cách làm để tiết kiệm nước, ổn định sản xuất

(NTO) Mặc dù không phải là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn hán, nhưng trong điều kiện sản xuất gặp khó khăn, nhất là những vùng cuối kênh bị thiếu nước cục bộ, nông dân huyện Ninh Phước đã tận dụng các nguồn nước, sử dụng tiết kiệm để ổn định sản xuất.

Xã Phước Hải là một trong những địa phương ở vùng cuối kênh Nam, nhiều diện tích đất đồi cát điều kiện sản xuất rất khó khăn do thiếu hệ thống thủy lợi và không chủ động nguồn nước. Khắc phục khó khăn đó, nhiều nông dân xã Phước Hải đã chủ động khoan giếng lấy nước ngầm, đồng thời sử dụng hệ thống tưới phun mưa để tiết kiệm nước. Nhờ vậy, trong khô hạn kéo dài, trên vùng đất cát tưởng chừng như “sa mạc” lại hình thành những rẫy, vườn xanh tốt, với năng suất ổn định. Ông Tôn Quyền Long, người dân thôn Từ Tâm, chia sẻ: Nhà có 6 sào đất thuộc vùng gò đồi, trước đây sử dụng nước trời nên thường bỏ hoang vào mùa hạn, nhưng từ khi tìm được nguồn nước ngầm, kết hợp áp dụng mô hình tưới nước phun mưa vừa giảm lượng cát bay, vừa tiết kiệm nước nên gia đình trồng được đủ loại cây như đậu phộng, cải trắng và cỏ voi. Cách tưới này hiệu quả rất cao hơn tưới tràn bởi lượng nước ít, lại đỡ công theo nước, đầu tư một lần có thể sử dụng lâu dài…

Sử dụng máy bơm để lấy nước chống hạn tại thôn Thuận Lợi, xã Phước Thuận.

Tại thôn Thành Tín, xã Phước Hải, nơi có mương tiêu Ốc Rọ chảy qua, tuy nhiên, lưu lượng nước chảy chủ yếu đổ thẳng ra biển rất lãng phí, trong khi đó, một số diện tích vùng gò gần đó lại thiếu nước sản xuất. Vì vậy, người dân trong thôn đã cùng nhau sử dụng bao ni-lông chứa cát để chặn dòng, tích nước phục vụ tưới cho trên 55ha lúa ở vùng cuối kênh trong vụ đông-xuân này. Với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, tại xã Phước Hải không ít người dân vẫn duy trì sản xuất ổn định trong điều kiện khô hạn. Hiện toàn xã có trên 400ha hoa màu được chuyển đổi trong tổng số 600ha đất canh tác của người dân.

Trong khó khăn, tinh thần vượt khó của nông dân Ninh Phước càng được phát huy rất đáng trân trọng. Tại xã Phước Thuận, gần một tháng qua, lượng nước đổ về các kênh rất yếu. Những vùng gò cao, nhiều cây trồng đang rất cần nước nhưng dòng chảy không thể tới. Để khắc phục tình trạng này, UBND xã Phước Thuận đã huy động sức dân tham gia nạo vét, khơi thông dòng chảy các kênh nội đồng để đưa nước vào các vùng gò chống hạn. Chính vì vậy, đã có hàng trăm hộ dân tích cực tham gia nạo vét trên 10km kênh mương, kịp thời dẫn nước cứu hạn cho nhiều diện tích lúa, hoa màu. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng ban Quản lý thôn Thuận Lợi, cho biết: Trước đây, kênh mương Gò không được nạo vét thường xuyên nên bị bồi lấp, lượng nước chảy rất yếu nên không dẫn vào vùng gò cao được. Nay vận động người dân có ruộng rẫy hưởng nước mương Gò cùng tham gia, nên chỉ trong một ngày, trên 60 hộ dân đã tích cực nạo vét khoảng 2,5km kênh mương phục vụ tưới cho trên 30ha màu và 15ha lúa đang thiếu nước nghiêm trọng.

Nhằm giúp dân vượt hạn tại những vùng sản xuất ở cuối kênh, tận dụng các nguồn nước thủy lợi một cách có hiệu quả, UBND huyện Ninh Phước đã tiến hành nạo vét kênh Chàm đoạn từ Phước Hậu-Phước Thuận; đặt 2 máy bơm “dã chiến” tại đoạn cuối Sông Quao để bơm nước tưới phục vụ vùng sản xuất cuối kênh thuộc xã Phước Thuận. Hiện nay, huyện đã tiến hành khảo sát để tiếp tục đặt 2 máy bơm tưới vùng cuối kênh thuộc thôn Trường Sanh, xã Phước Hậu…

Ông Đàng Năng Tom, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước, cho biết: Trong vụ đông-xuân này, huyện đã chuyển đổi 367,82ha diện tích đất lúa sang cây trồng cạn để tiết kiệm nước tưới. Trong đó, cây đậu xanh 227ha, bắp 63,7ha, cỏ 24,9ha, rau các loại 26,4ha, nho-táo 11,86ha và dưa hấu 14ha. Do điều tiết, sử dụng nước hợp lý nên các diện tích canh tác đều phát triển tốt. Nước phục vụ cho sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất cơ bản đều được đảm bảo.

Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong sản xuất của người dân, sự hỗ trợ đắc lực của chính quyền địa phương, công tác chống hạn trên địa bàn huyện Ninh Phước đang phát huy hiệu quả, tích cực.