Nhìn lại năm 2015:

Sản xuất nông nghiệp phát triển trong khó khăn

(NTO) Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) kết thúc năm 2015 với “hành trình” vượt khó do thời tiết diễn biến bất thường. Đợt hạn hán gay gắt nhất trong vòng 10 năm trở lại đây đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống nhân dân. Thế nhưng, từ sự “tiếp sức” của các cấp chính quyền, sự nỗ lực vượt khó của nông dân trên toàn tỉnh, đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, tạo bước “đột phá” mới.

Điểm nổi bật thể hiện tính linh hoạt, đó là nông dân đồng loạt chuyển đổi 2.059 ha đất ở những vùng không chủ động nước sang trồng các loại cây cạn, để ứng phó với thời tiết khô hạn. Kết quả, các mô hình chuyển đổi mang lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa, đã góp phần nâng cao giá trị đơn vị diện tích. Yếu tố quan trọng hàng đầu để sản xuất nông nghiệp phát triển trong điều kiện nắng hạn phải kể đến vai trò của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi trong thực hiện công tác điều tiết nước hợp lý, đảm bảo cho cây trồng, vật nuôi phát triển. Nếu không có sự vào cuộc tích cực của tỉnh cùng với Nhà máy Thủy điện Đa Nhim duy trì mức xả phù hợp thì diện tích ngưng sản xuất cả 3 vụ trong năm 2015 là rất lớn, không dừng lại con số 21.759 ha như Ngành Nông nghiệp thống kê.

Các hộ chăn nuôi cừu ở khu vực thôn Đồng Dày, xã Phước Trung (Bác Ái)
di chuyển đàn cừu từ vùng hạn hán đến các cánh đồng vừa thu hoạch xong để tận dụng nguồn thức ăn cho gia súc

Tinh thần chống hạn của các cấp, ngành và toàn thể nông dân trong năm qua khẩn trương như "chống hỏa". Để tiết kiệm tối đa nguồn nước, các huyện, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng thành lập các tổ hợp tác dùng nước có sự tham gia của cộng đồng để chủ động điều tiết tưới luân phiên, tưới tiết kiệm theo phương pháp “nông-lộ-phơi” được đánh giá mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm khoảng 30% lượng nước tưới. Có thể nói, việc áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm chưa có năm nào được triển khai sâu rộng như năm 2015. Ở những vùng không nằm trong phạm vi hưởng lợi hệ thống thủy lợi đập Nha Trinh - Lâm Cấm, các địa phương đã nhân rộng mô hình áp dụng công nghệ tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, quy mô 205 ha; trong đó, huyện Ninh Hải 85 ha, Ninh Phước 120 ha. Công nghệ tưới này phát huy tác dụng đã đem lại màu xanh trên vùng đất cát ven biển, giúp hàng trăm hộ có thu nhập ổn định, cuộc sống vì thế không bị xáo trộn bởi hạn hán.

Trong gian nan, sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển đi lên theo hướng bền vững. Từ chủ trương chuyển đổi cây trồng cạn trên diện rộng của tỉnh, đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có sự liên minh, liên kết với doanh nghiệp. Thông qua Chương trình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân được ký kết ngay từ đầu năm 2015, các đơn vị đã bao tiêu 88.433 tấn nông sản cho người sản xuất. Tiêu biểu là Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố đã hợp đồng cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm để nông dân sản xuất 200 ha bắp, giúp bà con có thêm thu nhập. Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay: Thành công từ Chương trình liên kết trong năm 2015 tạo niềm tin để nông dân tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng cạn, ứng phó với thời tiết khô hạn ở quy mô lớn hơn trong thời gian tới.

Nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) chuyển dịch ruộng gò sang trồng bắp lai giống vụ Đông- Xuân 2015- 2016. Ảnh: Sơn Ngọc

Thông tin cuối năm 2015, Ngành Nông nghiệp với thắng lợi “kép” đã chứng minh các giải pháp chống hạn hữu hiệu mà tỉnh kịp thời đề ra là sát đúng, phù hợp với thực tế từng địa phương. Trong điều kiện nắng hạn gay gắt, nguồn thức ăn gia súc tự nhiên bị cạn kiệt, nhưng tổng đàn đạt 354.824 con, tăng 14,41% so với cùng kỳ năm 2014, vượt 0,29% kế hoạch là thành tích hơn cả mong đợi. Nhiều người cho rằng, sở dĩ bị ảnh hưởng hạn hán nhưng tổng đàn gia súc vẫn tăng trưởng là nhờ 6 tháng cuối năm 2015 trời có mưa rải rác ở một số khu vực đã hồi sinh đồng cỏ tự nhiên, tạo nguồn thức ăn đáng kể cho vật nuôi phục hồi, phát triển. Tuy nhiên, theo đồng chí Phan Quang Thựu, yếu tố quan trọng để tổng đàn tăng đó là nhờ ngành chức năng, các địa phương chủ động xây dựng các phương án ứng phó với thời tiết nắng hạn kéo dài. Cụ thể, đã tổ chức di chuyển 17.000 gia súc có sừng từ vùng hạn, thiếu nước đến dọc sông suối, các cánh đồng vừa thu hoạch xong để tận dụng nguồn thức ăn; tiến hành thanh lọc đàn, loại bớt những con ốm yếu; dành 50 ha đất lúa, màu trồng cỏ bổ sung thức ăn cho gia súc.

Đúng là “trong cái khó, ló cái khôn”, sản xuất nông nghiệp năm 2015 tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành và toàn thể nông dân trên toàn tỉnh đã biến yếu tố “bất lợi” thành “có lợi”. Những mô hình chuyển đổi cây trồng cạn, tưới nước tiết kiệm, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị… triển khai có hiệu quả ở năm 2015 tạo đà để nông dân an tâm nhân rộng trong năm 2016 - năm được dự báo tình hình nắng hạn vẫn tiếp tục diễn ra với mức độ gay gắt hơn.