Chủ nhân của phòng tranh ấy là ông Đặng Minh Nghĩa, vốn là một nhà thầu xây dựng có lòng đam mê bộ môn nghệ thuật khá độc đáo, mới lạ này. Là một “tay ngang”, chuyện tự mình mày mò tìm hiểu và mở một phòng tranh rồi trở thành thầy dạy vẽ tranh cát miễn phí cho những đứa trẻ khuyết tật đến với ông như một cơ duyên.
Để có cát màu phục vụ cho việc vẽ tranh, ông lặn lội tìm đến nhiều nơi khác nhau. Ví như: cát màu đỏ thì đến đồi cát Nam Cương, cát màu đen thì ông tìm đến nhà máy chế biến khoáng sản ti-tan, cát màu da thì ông lấy từ bãi biển Bình Sơn, cát màu trắng lấy từ Cam Ranh. Một số màu đặc trưng mà cát tự nhiên không có ông lại tự mình pha trộn. Phòng tranh của thầy trò ông Nghĩa khá nổi tiếng, nhưng ít ai biết được rằng, tác giả của những tuyệt tác tranh cát ấy là những đứa trẻ khuyết tật, mà đa phần là khiếm thính.
Các em say sưa trong từng nét vẽ tại phòng tranh.
7 năm qua, hơn 50 em, dưới sự hướng dẫn tận tình của ông đã có trong tay một nghề làm vốn sống. Con đường trở thành một “họa sĩ” vẽ tranh cát chẳng phải đơn giản. Ông Nghĩa cho biết: Cái khó của làm tranh cát là ngoài một tâm hồn nghệ thuật thì sự kiên nhẫn, chịu khó của người vẽ tranh cũng rất quan trọng. Chính lòng đam mê đã giúp các em có được sự thành công như ngày hôm nay.
Ngay cả hiện tại, khi đã thành thạo tay nghề, để có một bức tranh hoàn chỉnh có khi các em phải mất đến cả tuần. Nhiều lúc làm được nửa chừng, cảm thấy không ưng ý, các em bỏ đi và làm lại. Bằng sự linh hoạt của đôi bàn tay, sự kỳ diệu của ánh mắt, những hạt cát quê hương được các em thổi hồn trở thành những bức tranh sống động, mê hoặc lòng người.
Là một học sinh khiếm thính, em Trần Uyên Nhã Thanh tìm đến phòng tranh của thầy Nghĩa theo học từ tuổi 12. Một năm rưỡi sau, khi tay nghề đã cơ bản, em đi học văn hóa. Giờ đây, ở tuổi 15, Thanh đã biết đọc, biết viết, sử dụng thành thạo ngôn ngữ ký hiệu và trở lại làm việc tại phòng tranh. Hiện tại, ngoài việc vẽ tranh, em còn là một phiên dịch viên đầy tự tin và hòa đồng. Em chia sẻ: Đến đây làm việc em rất vui vì vừa được vẽ tranh như mơ ước, kiếm được tiền nuôi mình lại vừa được gặp gỡ, nói chuyện với mọi người.
Những bức tranh cát được làm từ bàn tay các em giờ đây đã có mặt tại một số điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, được nhiều du khách nước ngoài đón nhận. Một số kiều bào về thăm quê cũng ghé vào đây chọn cho mình một bức ưng ý. Trung bình, mỗi tháng thu nhập của mỗi em dao động từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Dù không nhiều nhưng khoản thu nhập ấy cũng giúp phần nào trong cuộc sống, sinh hoạt của các em.
Em Trần Công Hoàng, đã có thâm niên 3 năm gắn bó với cơ sở. Hiện, Hoàng đang được thầy Nghĩa đào tạo vẽ chân dung. Đấy là nội dung khó nhất trong nghệ thuật vẽ tranh cát. Giới thiệu một số bức vẽ chân dung về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cho mọi người, tôi thấu được niềm hạnh phúc vô tận của em khi nhận được cái gật đầu khen ngợi từ mọi người.
Có lẽ, tất cả những hy sinh của thầy Nghĩa hay sự cố gắng, nỗ lực của các em không thể đong đếm được. Nhưng có một điều rõ ràng rằng: khát khao vượt lên chính mình như Hoàng, như Thanh là một minh chứng tiếp thêm nghị lực sống cho những ai không may bị khuyết tật nhưng lại rất giàu có về tâm hồn.
Ngọc Diệp