Con thuyền đi qua để lại sóng
Đoàn tàu đi qua để lại tiếng
Đoàn người đi qua để lại bóng
Tôi không đi qua tôi để lại gì?
Văn Cao
Văn Cao là nghệ sĩ tài hoa, được vinh danh với vai trò nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ. Thành công trên nhiều lĩnh vực, song văn chương mới là “vùng đất hứa” khắc họa rõ nét nhất chất uyên bác của người nghệ sĩ đa tài. Thưởng thức những sáng tác của Văn Cao, độc giả thường lạc vào những miền suy niệm, miền yên lặng của những thông tuệ riêng tư. Văn Cao lôi cuốn, mê hoặc người đọc bởi tầm nhận thức và “Không đề” là một điển hình cụ thể.
Không cầu kỳ lựa chọn tựa đề “mang nhiều ý nghĩa”, “Không đề” như một suy niệm về cuộc sống, từ những điều bình dị, nhỏ bé:
Con thuyền đi qua để lại sóng
Đoàn tàu đi qua để lại tiếng
Đoàn người đi qua để lại bóng
“Con thuyền, đoàn tàu, đoàn người” đều là những hình ảnh đời thường, đi kèm với hành động “đi qua” và tất cả đều để lại dấu vết riêng. Lựa chọn thủ pháp điệp cấu trúc “đi qua… để lại…”, nhà thơ khéo dẫn dắt độc giả “tìm mình” trong hình ảnh rất đỗi dung dị đó. Nhưng sao những câu thơ giàu hành động mà nghe lặng đến lạ! Có lẽ bởi chúng đều được viết từ sự quan sát, nghiền ngẫm, suy niệm của một tâm hồn nghệ sĩ luôn hướng về cuộc đời, con người, để rồi bật lên câu thơ giàu sức gợi:
Tôi không đi qua tôi để lại gì?
Bài thơ được mở đầu bằng những dòng tự sự và kết thức là lời tự vấn. Từ những chiêm nghiệm về giá trị sống, “Tôi không đi qua tôi/để lại gì?” như một lời độc thoại nội tâm của chính tác giả, cũng là lời đối thoại với bạn đọc. Qua đó, giúp độc giả “nhận thức lại” về giá trị sống, giá trị hiện hữu của chính mình.
“Không đề” chinh phục độc giả bằng chất uyên bác, sự thông tuệ của người nghệ sĩ đa tài, là chiếc gương soi quý giá góp phần phản tỉnh, cổ vũ mỗi người phát triển, hoàn thiện bản thân, nỗ lực vì những giá trị sống tốt đẹp. Tài hoa, tấm lòng vì cuộc đời, vì con người của nghệ sĩ Văn Cao quả là đáng trân trọng.
Anh Trang