Nơi tôi đến là Jakarta, thủ đô của Indonesia, cách thành phố Hồ Chí Minh 3 giờ bay. Cả đi và về, tôi may mắn được ngồi gần cửa sổ, nhưng nhìn ra, suốt thời gian bay chỉ thấy đại dương mênh mông, nên chả dám nhìn vì choáng và nếu lỡ có gì… thì tôi “đứt bóng” ngay vì không biết bơi!
Trở lại chuyến đi, qua “nghiên cứu” trước, biết được quốc gia này không khuyến khích nhân dân mình sử dụng các chất kích thích, nhất là rượu, bia và thuốc lá nên các “ma men” trong đoàn có… kế hoạch tối ưu để chuyến tham quan được… thành công tốt đẹp. Đoàn 10 người, với thời gian ở Indonesia là 5 ngày, chúng tôi chuẩn bị 15 chai Vodka Men Hà Nội, chia đều cho các thành viên nhét vào hành lý, nếu lỡ Hải quan sân bay phát hiện thì phải hát bài… năn nỉ. Mà đúng thật, cả đoàn không ai “dính”, chỉ có tôi là gặp nạn, nhưng mà họ đòi tịch thu… thuốc lá chứ không phải rượu. Quả là thời gian đó, tôi hút thuốc dữ lắm (may mà nay đã thôi… hút gần cả năm rồi), ngày 2 gói. Đi 5 ngày, tôi mang 15 gói vì sợ… đứt hàng giữa chừng. Thế mới thấy mấy ông “nghiện ngập” khổ sở làm sao, nhất là 3 giờ bay tù túng, vật vả và đất nước Indonesia họ cấm tiệt hút thuốc lá nơi công cộng…
Sang nước bạn, dùng rượu một vài ngày muốn… cháy cổ, chúng tôi “xử giặc” kéo đi uống bia vỉa hè. Cô chủ quán cho biết 1 lon Heineken 60.000 Rupiah (khoảng 100.000 VND), đắt gấp 5 lần giá trong nước. Thế mới thấy nước bạn đánh thuế (như thuế tiêu thụ đặc biệt ở ta) vào sản phẩm này quá cao, để dân ít có… cơ hội tiếp cận. Giá rượu, bia ở ta rẻ thế cho nên chúng ta tiêu thụ 3 tỷ lít, bình quân mỗi người “tu” 32 lít/năm, đoạt chức “vô địch” ASEAN, thứ 3 châu Á và thứ 28 trên thế giới (năm 2014). Chưa nói đến tác hại của rượu bia đối với đời sống xã hội, nhưng nhìn vào kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm ở ta chỉ mang về cho đất nước 3 tỷ USD thì chúng ta cũng “đốt” luôn ngần ấy vào bia, rượu. Xót!
Đối với thuốc lá, giá ở Jakarta một gói “555” là 40.000 Rupiah (khoảng 65.000 VND), đắt gấp đôi so ở ta. Hèn chi, dân mình “chích hút” thoải mái! Qua thống kê, trung bình mỗi năm, một người hút thuốc ở Việt Nam phải chi gần 700.000 đồng. Với 12 triệu người hút, mỗi năm chúng ta “đốt” hơn 8.400 tỷ đồng cho mặt hàng này. Một khảo sát gần đây cho thấy, chi tiêu cho thuốc lá ở nước ta cao gấp 3,6 lần phí tổn học hành, gấp 2,5 lần mức chi cho quần áo và gần gấp đôi mức chi cho khám chữa bệnh. Đó là chưa kể hết những bệnh tật hiểm nghèo do thuốc lá mang lại!
Ông bà mình nói: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn! Tôi thì chưa học được… “sàng khôn” nào, nhưng chỉ qua hai việc rượu bia và thuốc lá ở Indonesia, cũng đã có suy nghĩ. Chúng ta thừa nhận rằng, mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá và rượu bia có những đóng góp to lớn cho ngân sách quốc gia, nhưng phần đóng góp này không đủ để bù đắp những tổn thất kinh tế và sức khỏe do sử dụng rượu bia và thuốc lá gây ra đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Vấn đề này tự mỗi người trong chúng ta nên suy nghĩ và hành động!
Minh Sĩ