Có thể nói những giai điệu viết về Tổ quốc là những bài hát ca ngợi tinh thần yêu nước của một dân tộc kiên cường suốt mấy ngàn năm lịch sử luôn phải chống chọi với giặc ngoại xâm. Nói lên được sự hy sinh và tình yêu quê hương, đất nước của con người Việt Nam, vượt lên trên tất cả để hóa thân vào những giai điệu rất dịu dàng “Việt Nam yêu dấu xanh xanh lũy tre/Suối đổ về sông qua những nương chè/Dòng sông cuốn dồn về biển cả/Lứa thanh niên vui thoả cuộc đời/Mùa xuân tới nguồn sống đang sục sôi/Đất nước tôi Việt Nam sáng ngời” (Đỗ Nhuận). Đó chính là chiều sâu văn hóa trong tâm hồn con người Việt Nam. Có lẽ suốt mấy ngàn năm lịch sử, dân tộc ta đã phải chống chọi với giặc ngoại xâm, đều là những cuộc tiễn đưa. Ấy vậy mà những người mẹ, người vợ khi “Chia tay không hề rơi nước mắt/Nước mắt chỉ dành cho ngày gặp mặt” (Dương Hương Ly). Chính trong cái khoảng khắc lặng thầm đó “Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi/Dịu dàng trong tiếng ru hời/ Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi/Trầm sâu trong tiếng đất trời/Tôi nghe trong lời yêu nhau/Tôi nghe trong lời tha thiết/Phút hành quân mẹ tiễn đưa con/Giai điệu nhớ, giai điệu thương...”
(Trần Tiến). Có lẽ hơn lúc nào hết giai điệu viết về tình yêu Tổ quốc lại vang lên một cách tha thiết và hùng tráng như những ngày “Nước còn giặc, còn đi đánh giặc”. Đó chính là giai điệu “Tổ quốc mà tôi yêu mà tôi hát, lời yêu thương, lời bỏng cháy tháng ngày này đất nước ơi!” của Trần Tiến lại tiếp tục ngân lên thúc giục bao lớp lớp thanh niên “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu).
Có lẽ chỉ có tình yêu đất nước mới có thể động viên được lớp lớp những thế hệ người Việt Nam sát cánh bên nhau bảo vệ từng cành cây ngọn cỏ, từng ngọn núi, dòng sông của Tổ quốc. Những giai điệu mà các nhạc sỹ viết về Tổ quốc, trong mỗi ca từ giai điệu của bài hát đều ẩn chứa chất văn hóa của dân tộc thông qua từng nốt nhạc hào sảng. Chất văn hóa đó như lời ru của mẹ đã hóa thân vào giọng đàn bầu: “Tiếng đàn bầu của ta cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha… Tiếng đàn bầu Việt Nam, ngân tiếng vang trong gió/Ôi! Cung thanh, cung trầm rung lòng người sâu thẳm, Việt Nam Hồ Chí Minh, Việt Nam Hồ Chí Minh” (Nguyễn Đình Phúc). Quả đúng thật vậy! Để đến khi “Ta đi trọn kiếp con người/Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru” (Nguyễn Duy). Khi tình hình căng thẳng về vấn đề biển Đông, tình yêu quê hương, đất nước tiềm ẩn trong mỗi người con Việt Nam được khơi dậy một cách mạnh mẽ “Chín mươi triệu môi người thao thức tiếng Việt Nam”. Và rồi “Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả” (Nguyễn Phan Quế Mai). Trước nguy cơ rình rập của nước ngoài với mưu đồ xâm lược thì “Biển đông dậy sóng” và lòng người dân
Việt Nam đều phẫn nộ, “Sóng cuồn cuộn lên dáng hình đất nước”,“biết bao triệu mỗi người thao thức tiếng Việt Nam” (Nguyễn Phan Quế Mai). Mỗi khi đất nước bị nước ngoài xâm lược thì “Triệu người lấy thân mình che chở”, hàng triệu người sẵn sàng đứng lên, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Lịch sử của dân tộc Việt Nam đã trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước với những cuộc chiến đấu bất khuất vì độc lập, tự do và vì một đất nước “Hùng thiêng trong tiếng chiêng đồng” (Trần Tiến). Đã chứa đựng những hình ảnh đẹp và hào hùng “Phút hành quân mẹ tiễn đưa con”. Dù là trong thời bình hay thời chiến, dù trong những lúc “Chúng muốn đốt ta thành tro bụi” nhưng ta “Hóa vàng nhân phẩm lương tâm” (Tố Hữu). Những giai điệu và ca từ đẹp về Tổ quốc vẫn luôn ngân lên hào hùng trong mỗi trái tim người dân nước Việt.
Bích Hà