Katê diễn ra vào đầu tháng 7 lịch Chăm (nhằm vào tháng 9, tháng 10 Dương lịch), cũng là khoảng thời gian vào mùa mưa chính của năm. Cho nên việc trời đổ mưa trong thời gian này là lẽ tự nhiên, không có gì lạ. Nếu trời không mưa trong khi làm lễ rước y trang hay cúng tháp thì sau đó thế nào cũng có mưa hoặc là mưa diễn ra trước ngày lễ hội. Năm nay, trước ngày vào lễ hội Katê thì Ninh Thuận đã có những cơn mưa rất lớn trút xuống những cánh đồng khô hạn quá lâu ngày, tắm mát cả lòng người và cả những dòng sông, làm cho lễ hội Katê như khởi sắc hơn và lòng người cũng phấn chấn hơn.
Đồng bào Chăm thôn Hữu Đức (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước)
múa hát đón mừng Katê.Ảnh: Đình Nhi
Lễ hội Katê của người Chăm Ninh Thuận là một lễ nghi truyền thống lâu đời được bảo lưu, gìn giữ cho đến ngày nay. Nhưng Katê bây giờ dường như không còn là của riêng ai. Trước mùa Katê diễn ra, rất nhiều nơi, nhiều địa phương, cá nhân, du khách, tổ chức… liên lạc với chúng tôi hỏi về thời gian, lịch trình diễn ra lễ hội để sắp xếp một chuyến tham quan, du khảo thực tế. Không chỉ có người Chăm lên tháp cúng lễ, mà đông đảo du khách thập phương cũng thành tâm khấn nguyện, cầu cúng, dâng lễ. Sau lễ cúng đền, tháp, người ta hòa nhịp về các làng Chăm cùng ăn Katê với đồng bào. Ở đây các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao diễn ra sôi nổi cùng với việc tổ chức ăn mừng của làng và từng gia đình, dòng tộc. Không khí nô nức những này Katê dường như rất khác lạ khiến khách đường xa cảm thấy hào hứng, thú vị. Và cảm động nhất là lòng hiếu khách chân thành của người Chăm. Họ thết đãi nhiệt tình kể cả những người khách lạ mới quen. Những món ăn đặc sản mang nét văn hóa ẩm thực vùng miền của tộc người là niềm tự hào mà người Chăm muốn giới thiệu, sẻ chia trong những ngày diễn ra lễ hội truyền thống của mình.
Trong những ngày này, mưa vẫn có thể diễn ra thường xuyên và nó không hề làm khó chịu hay trở ngại cho việc vui đón lễ hội, mà trái lại còn đem đến niềm vui cũng như thỏa cơn khát cho mọi người. Rất nhiều người không hiểu căn nguyên, ý nghĩa của Katê, nhưng người ta cũng không mấy bận tâm, chỉ biết đó là một lễ hội của người Chăm theo đạo Bàlamôn, và như vậy hẳn đã thú vị vì tính đặc sắc của văn hóa Chăm. Ít ai biết rằng trong lễ Katê truyền thống, ngoài việc dâng cúng thần linh, ông bà, tổ tiên, các vị Vua-Thần, Thần Mẹ xứ sở… người Chăm vẫn cầu cúng cho mùa màng sinh sôi, mưa thuận gió hòa như trong nhiều lễ nghi khác, thể hiện sự cầu mong, khao khát những cơn mưa được ban xuống cho vùng đất hanh khô, thiếu mưa, thừa nắng này. Niềm mong mỏi đó thể hiện xuyên suốt trong đời sống tâm linh của người Chăm. Hầu như trong các lễ nghi truyền thống, người Chăm luôn có nghi thức cầu mưa chứ không chỉ trong những lễ cầu mưa riêng biệt. Và Katê cũng vậy, họ có rất nhiều nghi lễ liên quan đến cầu mưa trong năm, bắt đầu từ chùm lễ hội đầu năm của cộng đồng là lễ Rija Nưgar, rồi đến những lễ nghi khác tiếp sau đó.
Mong ước ấy rất đỗi bình thường đối với cư dân nông nghiệp và nó được duy trì bởi sức sống của tâm linh, tín ngưỡng. Khi mùa mưa về cùng mùa lễ hội sẽ làm cho mùa lễ hội vui hơn, ý nghĩa hơn, làm cho mọi người tin rằng thần linh vui vẻ, hài lòng, ban cho mùa lành bởi cuộc sống an bình, hòa thuận từ sự cố gắng của con người tạo ra; cũng có nghĩa cuộc sống hiện tại đang thật tươi đẹp. Điều đó làm ấm áp và mang lại hạnh phúc cho mọi người. Khi người ta nói “Katê năm nào cũng mưa” thì trong đó vừa hàm chứa mong ước, vừa hàm chứa niềm vui chứ không phải là sự đúc kết. Niềm vui đó thật dạt dào như những cơn mưa hiểu thấu về những con người chịu thương, chịu khó, không quản ngại một nắng hai sương, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống một cách vô cùng giản dị.
Nguyễn Thu