Và… hơn một lần tôi tự thấy xấu hổ với bản thân, nhân lúc bà vui tôi mới dám thú nhận. Nước mắt chảy xuôi mà, vì thế những gì tôi lỡ gây ra, cho dù tày đình nhất bà đều tha thứ hết chỉ với một yêu cầu: phải mạnh dạn nhận khuyết điểm về mình để rồi lấy đó làm bài học về sau. Xin cảm ơn bà với lối giáo dục sâu sắc đó đã rèn giũa tính cách cho con người tôi hôm nay.
Thế nên, trong cuộc sống rất cần những lời xin lỗi. Bất chợt có tình huống không may nào đó, vô tình xảy ra khiến người khác buồn, ta nên nói một câu xin lỗi để cảm thấy nhẹ lòng hơn.
“Thánh nhân nào cũng có một quá khứ. Tội phạm nào cũng có một tương lai”. Tôi rất thích lời nhận định này bởi nó mở cho ta nhiều hy vọng để trở thành một con Người có chữ cái viết hoa. Nó còn cho ta một niềm tin vào bản thân và không nên buông xuôi mọi thứ trong tuyệt vọng và đau khổ.
Lời xin lỗi chân thành thường thể hiện trong ánh mắt và trái tim của người phạm lỗi, nó không những chuyển tải sự ý thức và trách nhiệm của người đó mà còn giúp họ khắc phục sai lầm để ngày càng sống tốt hơn.
Theo tôi nghĩ, lời xin lỗi nên xuất phát từ tinh thần tự giác của người phạm lỗi chứ không nên ép buộc hay giáo điều. Nó là lời bày tỏ thái độ ân hận trước những sai lầm mình lỡ gây ra. Những từ tưởng chừng như nhỏ nhặt ấy lại đóng một vai trò vô cùng to lớn, nó biểu hiện nếp văn hóa ứng xử lịch sự trong giao tiếp hằng ngày. Hơn nữa, nó còn là một chất keo kết dính cộng đồng, là sợi dây vô hình gắn chặt những mối quan hệ trong xã hội. Chỉ với hai từ ấy thôi, những mâu thuẫn, xích mích phút chốc cũng sẽ được xóa tan, khiến mọi người trở nên gần gũi và thân thiết. Bản thân người nói lời xin lỗi, sẽ cảm thấy lòng mình thanh thản và nhẹ nhõm. Về phía người nhận lời xin lỗi, họ cũng dường như thấy ấm lòng và trở nên bao dung hơn. Điều quan trọng nhất, nói ra được lời “xin lỗi” đồng nghĩa với việc bạn ý thức rất rõ về bản thân mình, biết tôn trọng người khác; dám dũng cảm nhận ra lỗi lầm cũng là phong cách của một lối sống có văn hóa và giàu lòng tự trọng.
Thùy Trang