Chẳng là cánh đàn ông khu phố tôi chủ yếu là dân công sở nên có những quan hệ, sở thích khá giống nhau và họ dễ dàng chia sẻ nhau mọi chuyện. Có chuyện chỉ “trời” mới thấu nhưng họ cứ tán, bởi “vui” là chính chẳng ảnh hưởng đến A, B, C…Z nào cả. Có lần anh bạn nhà bên chạy qua hỏi: Này ông, đi dự nhà mới thì quà tặng thế nào ông nhỉ? Cái vụ này thì tôi chẳng hơn gì ông, để tôi nhờ bà xã. Chỉ chờ có vậy vợ tôi đưa ra hàng loạt phương án cứ như mình là chuyên gia “dịch vụ” về quà tặng nhà mới: - Trước hết, phải xác định mối quan hệ với thân chủ là gì, rồi sở thích, gia cảnh, rồi… của họ để mua quà tặng. Nghe phức tạp, tôi xen ngang: - “Lỡ quà tặng người ta có rồi thì sao, thừa lãng phí, tốt nhất là phong bì”. Bà xã tôi bực dọc: - “Giỏi thế còn nhờ người ta làm gì”, rồi tiếp tục: - Qùa tặng dùng cho những quan hệ thân hữu, ruột thịt, ngoài ra cứ phong bì là tiện dụng nhất. Nhưng bao nhiêu thì vừa? anh láng giềng dò hỏi. Đấy, cái khó nhất là như anh hỏi nhưng có lẽ tuỳ thuộc vào “mục đích” của người đưa phong bì, vợ tôi giảng giải. Anh bạn gãi đầu, chuyện cơ quan khó mấy rồi cũng giải quyết được còn chuyện này chẳng trường lớp, sách vở nào dạy!?
Đâu chỉ có dự nhà mới còn sinh nhật con, cháu, mừng thọ các cụ…của bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên, dòng họ, hàng xóm cũng là những chuyện mà sách vở ít ghi chép, nếu vào google tra cứu để vận dụng thì cứ “mỗi nhà một cảnh” khác gì ma trận. Tháng vừa rồi, khu phố tôi có dịp xôn xao hẳn lên bởi cánh đàn ông được vợ giao cho quyền “tự xử” việc hiếu, hỉ của bản thân. Số là năm nay không hiểu sao tháng này thiên hạ thi nhau cưới hỏi, người ít thì nhận sáu bảy thiệp hồng, có người đến gần hai chục thiệp. Thế rồi cánh đàn ông than thở: Sao người ta không phân phối đều mười hai tháng, biết tính sao đây? Vốn tư chất “thông minh” họ cùng nhau bàn tới, bàn lui nhưng vẫn không sao nghĩ ra cách để “tự xử”, nước cuối đành bàn nhau “xuống nước” nhờ vợ giải cứu. Giúp chồng là lẽ thường tình nhưng các bà vợ cứ phải ca ít câu vọng cổ trước “mấy con, tháng này nhà mình chuyển sang chế độ thời chiến nhé”. Thời chiến là gì mấy đứa nhỏ đâu biết nhưng bản tính tò mò chúng tỏ vẻ thích thú “hoan hô thời chiến”. Lúc này mẹ nó mới thông báo: Cúp điện dùng quạt tay, hạn chế tắm giặt, ăn mì tôm, uống canh toàn quốc…Nghe vậy, lũ nhỏ ôm mẹ “con không chịu thời chiến” đâu…Cảnh báo để đức ông chồng biết thôi, nhờ bà xã rồi mọi chuyện cũng qua. Thế nên đàn ông khu phố tôi nể phục “mấy bà vợ thế mà giỏi”!
Chuyện qua rồi, những lúc rảnh ranh cùng nhau bù khú, cánh đàn ông khu phố tôi lại tán chuyện như chưa có gì xảy ra. Nhưng đều chung suy nghĩ việc hiếu hỉ, cưới hỏi của bạn bè, anh em, đồng nghiệp ai lỡ “quên” không mời buồn lắm bởi một chữ tình và họ “nhớ” mời vui lắm nhưng nếu dồn dập vào "mùa vụ" cũng buồn. Xét cho cùng vì đồng lương có hạn, bản thân chưa biết làm gì thêm chính đáng để có tiền mừng đồng nghiệp, anh em, bạn bè trong những dịp hiếu hỉ nên sáng tác bài ca “kiểu gì cũng buồn” để góp vui làm giảm bớt những ngày làm việc căng thẳng, những khó khăn lo lắng trong cuộc sống đời thường.
Mỹ Hạnh