Vài hôm trước ông nghe con nói với mẹ nó “Nhà mình ít người lại có phương tiện làm ra tiền, sao ba mẹ cứ mãi tằn tiện không dám ăn tiêu để bồi bổ cơ thể? Con biết ba mẹ chịu khó nhọc, tằn tiện là vì con ăn học. Nhưng ba mẹ cũng nên nghĩ đến sức khỏe của ba mẹ. Mai sau khi ra trường, con sẽ làm kiếm thật nhiều tiền để bù đắp cho ba mẹ đã khó nhọc vì con. Nhưng con sẽ dùng cái đầu để quản lý chứ không lao động chân tay như ba mẹ”. Vậy là con ông biết quý công ơn cha mẹ. Lời nó nói làm ông mát lòng và càng yêu quý con hơn. Nhưng trong cách nghĩ của nó ông thấy chưa ổn. Nó sợ phải lao động chân tay, và chưa có đức kiệm. Tấm gương lao động chân chính của cha mẹ không giúp nó soi mình noi theo vì nó chưa từng đổ mồ hôi để biết quý giá trị đồng tiền. Có phải đó là hệ quả của cách nuôi dạy con của vợ chồng ông mười bảy năm qua? Ông bỗng nhận ra sự khiếm khuyết trong cách giáo dục con của mình… Thương con hóa ra lại hại con. Rất may tuổi nó còn trẻ sẽ còn cơ hội sửa sai. Ông bàn với vợ dùng thời gian rỗi hằng ngày tập cho con đan hàng song mây và cho nó đi theo khi giao hàng cho công ty. “Lao động là phương tiện để cải tạo tính cách” với ông bây giờ không phải là một câu nói giáo điều.
Sự vụng về trong những ngày đầu của kỹ thuật đan đi qua, để cho ra những sản phẩm đạt sự thẩm mỹ. Ông mừng vì con ông đã thể hiện lòng hiếu thảo bằng sự vâng lời và tính kiên trì vượt khó. Nó không viện lý do bận học để từ chối và dù những ngón tay chỉ quen cầm viết, cầm chén đũa và cơm đã phồng rộp trong những ngày đầu tập đan cũng không làm nó nản chí. Và khi giao hàng, nó biết mềm mỏng đấu tranh để đạt yêu cầu khi nhân viên công ty làm khó trả hàng. Cuối tháng nhận tiền công, ông bảo vợ trao hết cho con -“Đây là những đồng tiền đầu tiên con kiếm được từ công sức của mình, những đồng tiền không cần phải tốt nghiệp đại học ra trường mới kiếm được. Con hãy cầm lấy đi mua sắm những vật gì con thích”.
Khi đi mua sắm về, con ông nói “Con chỉ dùng một phần tiền công để mua những thứ rất cần cho học tập trong lúc này, số còn lại con sẽ dùng để đóng học phí để đỡ phần cho ba mẹ. Số tiền công ba mẹ cho con gởi lại mẹ để chi dùng vì con chưa cần dùng đến. Con thấy làm việc để kiếm được đồng tiền rất khó nhọc mà mua sắm cho thỏa thích thì không biết bao nhiêu mới đủ. Con cảm ơn ba mẹ đã dạy cho con hiểu được giá trị của đồng tiền”.
Mặc dù con ông đã lớn, ông vẫn ôm đầu nó ép chặt vào ngực trong niềm vui sướng.
Trần Xuân Thụy