(Trích và chuyển thể từ kịch bản văn học phim truyện “Cát bụi thời gian” của Phạm Văn A)
1. …Lớp học một miền quê vùng biển. Ông giáo già nhìn các em đang chăm chỉ viết bài… Lớp học lặng im, nghe rõ từng tiếng sột soạt của ngòi bút trên trang giấy. Ngày nào cũng vậy, đến giờ tập viết là các em đều tỏ ra ngoan hiền và cũng chỉ đến cuối giờ, khi cả lớp đọc bảng cửu chương sẽ như là đàn ong vỡ tổ. Ông giáo già không lạ gì với những học sinh của mình. Vỏn vẹn chỉ 24 em và hình thành 3 nhóm khá rõ. Hồng Thái, Chương Thiện, Biểu Chánh, Thái Dương, Thu Hường, Khánh Bình, Trọng Bảo là một tốp gồm 5 nam 2 nữ luôn được ông thương mến. Hồng Thái là đứa bé con nhà nghèo. Ba em là tù chính trị hiện đang ở Côn Đảo. Mẹ tần tảo nuôi anh em Hồng Thái chỉ với gánh đậu hũ trên vai. Chương Thiện là con trai của ngài Quận phó. Biểu Chánh xuất thân từ gia đình nho giáo. Thái Dương là con của một chủ trại gỗ nổi tiếng vùng này. Trọng Bảo được sinh ra trong một gia đình có cơ ngơi sinh sống nổi tiếng với ruộng, vườn và gian hàng tạp hóa lớn nhất vùng. Thu Hường là cô bé nhu mì, điềm đạm. Khánh Bình có nét chững chạc hơn tuổi của em… Nhóm vẫn cử Hồng Thái làm nhóm trưởng suốt từ đầu năm học đến nay. Hai nhóm khác là những em có tính cách hơi khác thường và không được ổn định vì luôn có sự thay đổi về nhóm trưởng… Các em vẫn miệt mài và cắm cúi viết bài. Có vài em đưa bài lên nộp cho ông giáo và từ đó không khí lớp học không còn trầm lắng. Ông giáo già gõ nhịp thước bảng:
- Các em nộp bài và về chỗ ngồi trật tự, không làm ảnh hưởng đến bạn...
Đâu đó, đã có những tiếng râm ran “nhanh đi, đọc cửu chương rồi về sớm”…
Ông giáo già lại gõ nhịp thước bảng “hết giờ nộp bài”. Các em học sinh tranh nhau lên nộp bài và quay về chỗ với tư thế chờ ông giáo ra lệnh để đọc bảng cửu chương mà từ lâu các em vẫn xem là kinh nhật tụng. Sau tiếng “bắt đầu cửu cửu” của ông giáo già. Các em ê a đánh vần bảng cửu chương tàu:
“Cửu cửu bát nhất; Bát cửu thất nhì
Thất cửu lục tam; Lục cửu ngũ tứ
Ngũ cửu tứ ngũ; Tứ cửu tam lục
Tam cửu nhì thất; Nhì cửu nhất bát”…
Ông giáo già rời bục giảng, bước xuống hàng ghế cuối cùng của lớp. Các em đứng lên:
- Thập mười, cửu chín, Bát tám, Thất bảy, Lục sáu, Ngũ năm, Tứ bốn, Tam ba, Nhị hai,…
Nhiều em bung chạy, xô lấn nhau ra khỏi lớp. Đã quá quen với khung cảnh ấy nên ông giáo già vẫn im lặng nhìn 3 em còn lại là Hồng Thái, Chương Thiện và Khánh Bình. Trong lúc ấy, những em chạy ra ngoài lớp đồng thanh nhấn mạnh “Nhị hai,... đói bụng!”. Hồng Thái, Chương Thiện và Khánh Bình vẫn nghiêm chỉnh “Nhị hai…. Nhất một”.
Ông giáo già gật đầu:
- Sau này, lớn lên các con sẽ hiểu cái hay của bảng cửu chương này… 3 con! Tam ngu thành hiền. Thầy mong là như thế!
Hồng Thái, Chương Thiện và Khánh Bình xếp vở vào cặp, vòng tay chào thầy…
2. Hàng bán bánh canh của bà Tám ven đường, cách lớp học không xa có ba em học sinh nữ và 1 học sinh nam như cố ý ngồi chờ. Vừa lúc, nhóm Hồng Thái, Chương Thiện và Khánh Bình vừa đến. Một học sinh nữ “mời Hồng Thái và các bạn ghé lại ăn bánh canh”…
Hồng Thái:
- Cảm ơn các bạn. Con chào bà Tám…
Bà Tám vừa múc bánh canh ra tô vừa lên tiếng “Cha bây! Ba đứa trò ngoan, 3 con “mọt sách”. Nào! Hồng Thái, Chương Thiện, Khánh Bình ngồi xuống. Hôm nay, tao dành cho tụi bây 3 cái đầu cá ngừ… Ăn đi con! Đầu cá ngừ nhiều đạm, bổ não”….
Biểu Chánh đã nhanh chóng:
- Không được, phần con một đầu-3 con mọt sách hai đầu…
Khánh Bình lặng lẽ chuyển cho Biểu Chánh một tô bánh canh có đầu cá ngừ và cả bọn cùng nhau thưởng thức món bánh canh. Bà Tám nhìn các em, cầm quạt phe phẩy và lẩm nhẩm một mình “Vui được cứ vui, luật mười năm chín, nửa tín nửa nghi, biết chi mà tránh”…
Hồng Thái nhìn bà Tám:
- Hôm nay má Tám lại dùng luật mười năm chín…
Bà Tám nhìn các em. Đã từ lâu bà xem nhóm học sinh này như những đứa con của mình. Sự lễ phép, hồn nhiên và ý thức trách nhiệm bạn bè của chúng đã làm cho bà cảm thấy yên tâm. Bỗng nhiên, bà nghĩ đến mai này lớn lên mỗi đứa mỗi nơi, không biết sẽ ra sao?
Biểu Chánh như hiểu được suy nghĩ của bà Tám:
- Xong! Đúng là ăn đầu bổ đầu. Má Tám khỏi lo, mai này tụi con mỗi đứa một phương trời nhưng tình bạn vẫn luôn thắm thiết…
Bà Tám cười vui “tổ cha cái thằng Biểu Chánh”. Nhìn theo những bước chân của các em rời quán bánh canh. Bà lại lẩm nhẩm một mình “mong sao như thế, tuổi thơ luôn kết nối các con trong suốt cuộc đời”… tuy tự ngẫm như vậy nhưng bà Tám vẫn cứ lo canh cánh trong lòng “cái thứ luật mười năm chín nó gây không biết bao nhiêu cảnh thương tâm, tàn khốc. Liệu lũ trẻ có yên ổn hay không?”.
3. Đang loay hoay dọn dẹp hàng bánh canh, chợt nghe “Thưa bà Tám, tụi con”… Giật mình quay lại, Hồng Thái và Khánh Bình đã đứng trước mặt.
Khánh Bình:
- Thưa bà Tám, hôm nay Biểu Chánh quên trả tiền…
Bà Tám nhìn hai đứa trẻ:
- À! Vui quá nên bà cũng quên… Mà thôi! Hôm nay coi như bà đãi các con…
Khánh Bình:
- Dạ! con cả ơn bà, hôm khác tụi con nhận “bánh canh chiêu đãi”… Còn hôm nay, xin gửi…
Hồng Thái vẫn im lặng. Bà Tám không từ chối:
- Ừ! Thì bữa nay tao lấy tiền và hôm sau mời hết nhóm tụi con. Bà Tám này giao cho thằng Thái tập hợp nhóm…
Hồng Thái “dạ” rồi cùng với Khánh Bình chạy vội về hướng các bạn. Bà Tám lại nhìn theo “hai đứa nhỏ này dễ thương quá”…
Hồng Thái, Khánh Bình vừa đến ngã ba đã thấy Biểu Chánh đứng đợi.
- Hôm nay mình “quê độ” với các bạn quá… được mấy bạn gái mời ăn bánh canh, nhận lời trả tiền cho oai, ai ngờ…
Hồng Thái đã vui vẻ:
- Ai ngờ đã có mỹ nhân Khánh Bình cứu anh hùng Biểu Chánh rồi chứ gì?… Lêu lêu, mắc cỡ lêu lêu…
Biểu Chánh, Khánh Bình cùng Hồng Thái vừa chạy đuổi, vừa trêu chọc hồn nhiên…