CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Chuyện không của riêng ai !

(NTO) Cùng với bệnh tật, cháy nổ được xem là hiểm họa luôn “rình rập” để có thể gây hại đến cuộc sống con người. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đa số người dân còn rất chủ quan đến phòng, chống cháy nổ.

Nhìn lại trên địa bàn tỉnh, đối với các cơ quan, đơn vị, qua thực hiện chỉ đạo chung của tỉnh đều xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy (PCCC) cụ thể, có lắp đặt phương tiện chữa cháy... nhưng việc phát huy tác dụng hay không thì còn tùy thuộc ở lãnh đạo đơn vị có quan tâm kiểm tra, tổ chức diễn tập vận hành và đầu tư thỏa đáng cho công tác này.

Quang cảnh diễn tập phương án chữa cháy tại Công ty may Tiến Thuận. Ảnh: Phạm Lâm

Đối với các hộ dân nói riêng và khu vực dân cư nói chung thì nhất là ở khu vực nông thôn xem ra công tác PCCC càng khó khăn hơn. Hầu như các hộ dân đều không quan tâm đến phòng cháy. Điều này thấy rõ ở việc bố trí các vật dụng trong gia đình. Đáng lo nhất là câu, bắc điện đến từng hộ và cả trong nhà, dễ thấy nhất là dây không đúng quy cách, chủng loại, kéo điện sai kỹ thuật, tình trạng dây điện giăng như “mạng nhện” là khá phổ biến... Ngay trong nhà bếp việc sử dụng ga để nấu nướng thì không ít hộ dùng bếp ga không đạt chuẩn... Đó là chưa kể có hộ dùng xen kẽ vừa bếp củi, than, vừa dùng bếp ga... Đây chính là những nguy cơ dẫn đến cháy nổ bất kỳ lúc nào nếu sơ ý và một khi xảy ra thì hậu quả thật khó lường, nhẹ thì thiệt hại tài sản, còn nặng thì ảnh hưởng đến tính mạng cả gia đình, thậm chí là cộng đồng. Thực tế cũng đã chứng minh bằng các vụ cháy nổ gây đây.

Nguyên nhân của thực trạng trên trước hết là ý thức xem nhẹ việc phòng chống cháy nổ bởi lẽ cứ chủ quan cho rằng: Dễ gì xảy ra?. Mặt khác, công tác tuyên truyền của cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương chỉ dừng lại ở “kế hoạch” hoặc có nhưng làm không đến nơi, đến chốn... nên đối với cơ quan, đơn vị thì chủ quan, đối với người dân thì không rõ, không biết... đến khi hậu quả xảy ra mới “giật mình” nhìn lại thì đã quá muộn !.

Để chấn chỉnh nhất là trong mùa khô này, yêu cầu đặt ra là cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Khắc phục ngay tình trạng các “mạng nhện” điện tại các khu dân cư trong tỉnh nhằm tránh sự cố về điện. Tiến hành việc thành lập lực lượng PCCC ở cơ sở và lực lượng dân phòng đồng thời duy trì hoạt động thường xuyên của lực lượng này theo tinh thần Kế hoạch 443/KH-UBND ngày 23-1-2014 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ...

Hơn bao giờ hết, nhân Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động- phòng chống cháy nổ lần thứ 16, mọi người cần nhìn lại để có giải pháp phòng ngừa. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” thì quá muộn và phòng chống cháy nổ không còn là câu chuyện của riêng ai.