Điện về!

(NTO) May mắn sinh ra khi ánh điện lung linh tỏa sáng khắp vùng quê, nhỏ thích thú ngồi nghe chị hai kể về những ngày đầu tiên thôn nghèo nhỏ đón ánh điện rực sáng.

Khi nhỏ còn trong bụng mẹ, bà con đều sử dụng đèn dầu để thắp, ánh sáng chỉ loe loét một góc ngôi nhà. Trong đêm tối, tất cả mọi sinh hoạt gia đình, chị hai nhỏ cũng chú mắt với đống bài vở dưới ánh sáng tù mù ấy.

Năm 1989, nhỏ một tuổi cũng là lúc quê nhỏ bắt đầu có điện. Khi có điện, thôn của nhỏ vẫn chưa được nối dây và có bóng, nói chi tới cầu dao. Lúc ấy, vì biết một ít về điện, được cho một bóng điện tròn 75W, ba nhỏ đã dùng dây nối. Nghiễm nhiên, nhà nhỏ là hộ đầu tiên trong thôn có được ánh sáng của đèn điện. Chị hai nhỏ bảo, thời điểm ấy, thật không thể diễn tả nổi cảm giác sung sướng nhìn ánh sáng vàng rực, cả nhà nhỏ đã vui mừng biết nhường nào. Mọi người trong nhà nhỏ cứ nhìn ánh điện rồi nhìn nhau cười. Ngày sau nhà nhỏ trở nên nổi tiếng, hàng xóm láng giếng kéo nhau qua xem ánh sáng điện như thế nào. Họ vui sướng, nhìn chăm chăm vào ánh sáng ấy, cứ như nhìn một vật thể gì đó rất lạ, nhìn mãi, nhìn mãi không biết mỏi mắt. Một tuần sau đó, mỗi nhà được cấp phát một bóng đèn điện, loại bóng tròn 75W, ánh sáng vàng rực, hộ nào có điều kiện thì mua thêm và được nối dây. Tuy nhiên chưa có cầu dao riêng, tất cả đều sử dụng cầu dao chung của thôn. Theo lịch phát, vào lúc 5 giờ chiều, Ban quản lý thôn bắt đầu bật cầu dao, điện của mọi nhà cùng sáng trưng. Những ngày đầu, bọn trẻ con thường tụ tập quanh bóng đèn điện vào “giờ G”. Khi ánh điện sáng lên, tiếng reo mừng gầm trời: A! có điện rồi! của bọn con nít vang khắp vùng, người lớn nhìn bọn trẻ nhảy múa, tung tăng hát ca vui như ngày Tết, cùng cười! Ngày nào cũng vậy, hành động này của bọn trẻ cứ lập đi lập lại, kéo dài gần cả tháng, chúng không biết chán. Dường như đối với chúng, đó là niềm hạnh phúc, hạnh phúc như chính lúc khi chúng mặc một chiếc áo mới được mẹ mua cho.

Có điện, anh chị của nhỏ tạm biệt cái cảnh mò mẫm trong đêm tối đọc từng dòng chữ, giải từng bài toán, dân làng của nhỏ cũng không phải sinh hoạt dưới ánh đèn dầu. Có điện, cả thôn nhỏ vui hẳn ra, diện mạo như đổi mới.

Về sau, mỗi nhà đều có cầu dao riêng, thoải mái bật điện khi nào mình muốn, bọn trẻ không còn hồ hởi như những ngày đầu, mọi thứ trở về như cũ, bọn trẻ quen dần với ánh điện như khi xưa chúng sống chung với đèn dầu.

Lớn lên cùng ánh điện sáng rực, vì thế, điện không phải là thứ gì quý giá, xa xỉ đối với nhỏ, nó trở nên quá đỗi bình thường. Nhưng từ khi nghe câu chuyện về điện của chị hai, nhỏ bắt đầu có ý thức trong việc sử dụng điện trong cuộc sống của mình. Máy tính, TV, Radio và các thiết bị khác khi không có ai sử dụng, nhỏ đều tắt, hành động mà nhỏ chưa bao giờ làm trước đó. Không chỉ vậy, nhỏ còn là cái “loa phát thanh” kêu gọi người nhà tiết kiệm điện.

Trời về tối, nhỏ thích nhất là đứng trên sân thượng, đưa mắt nhìn xuống vùng quê yên bình. Những ánh điện từng ngôi nhà bật lên, nhìn giống như hàng trăm cây nến được từ từ thắp lên trên chiếc bánh sinh nhật khổng lồ. Thú vị thật!