Mùa bàng thay lá

(NTO) Không rõ do thời tiết Ninh Thuận khắc nghiệt, hay biến đổi khí hậu làm nhịp sinh học của thiên nhiên có đôi chút “mất trật tự”, mà những cây bàng đến giờ mới trút bỏ lớp “áo” đỏ âu để khoác lên mình màu xanh non bóng mượt, làm tươi mới phố phường.

Bàng thay lá vào cuối đông và có thể kéo dài từ 1 đến 2 tháng, không thống nhất giữa các cây. Có thời điểm, hầu khắp phố phường đều rực lên màu lá đỏ, rồi từng vạt lá rơi rụng như trải thảm trên đường. Nhưng đến nay, phần lớn đã hoàn thành “nhiệm vụ” mặc áo mới, chỉ còn lác đác vài ba cây vẫn đang vươn những “bàn tay” màu huyết dụ ra, như vẫy chào tạm biệt, rồi mới buông mình theo gió. Trong sân trụ sở Công ty Cổ phần Muối Ninh Thuận (trên đường 21 tháng 8, Tp.Phan Rang – Tháp Chàm) có một cây như thế. Cây bàng đối diện cổng Bệnh viện tỉnh (cũ) cũng đang đổ lá xuống đường. Thú vị nhất có lẽ là những cây mang hai màu lá như ở sân Ban Tuyên giáo tỉnh ủy. Trên một ngọn mà chồi non và lá đỏ cùng bám lấy cành, như một cuộc hội ngộ của 2 thế hệ.

Bàng dễ sống và không là cây đặc trưng của một địa phương nào cả. Hầu như khắp đất nước ở đâu cũng có bàng. Ở Ninh Thuận, bàng được trồng nhiều trong trường học như: Tiểu học Bảo An 2, THPT Chu Văn An, THCS Lê Hồng Phong, THCS Lê Văn Tám,… Một số trụ sở cơ quan như: Trường Chính trị tỉnh, Sở Nội vụ, Sân vận động tỉnh,... cũng có nhiều cây bàng. Dù ít được trồng như cây xanh vỉa hè, nhưng trên đường 21 tháng 8 (đoạn qua chùa Diệu Ấn và cây xăng Phước Mỹ), dọc đường Quang Trung và góc đường Hồ Xuân Hương giao với Trần Quang Diệu (bên hông Trung tâm Văn hóa tỉnh), ta có thể bắt gặp khá nhiều bàng với những tán cây to. Một số ít có dáng “lạ” vì bị chặt bớt cành do vướng phải dây điện và cáp viễn thông.

Chưa có cuộc nghiên cứu nào về những cây bàng cổ thụ ở Ninh Thuận. Nhưng ở Tp.Phan Rang – Tháp Chàm, cây bàng già nhất nhiều khả năng là cây ở sân Đình Tấn Lộc (p.Tấn Tài). Từ trên cầu Đạo Long 1 nhìn xuôi theo dòng sông Dinh về hướng đông, ngay đoạn uốn lượn, có thể dễ dàng nhận ra cây bàng này, to cao và đỏ rực. Theo nhiều người, cây có từ khi Đình được xây dựng, tức đã sống hơn 1,5 thế kỷ. Đình được xây dựng năm 1853, trải qua các cuộc bạo động của thời đại, nhưng khuôn viên nhỏ vẫn sừng sững một cây bàng như vị hộ pháp, vươn những cánh tay to che chở cho mái Đình. Phía bên phải sân cũng có một cây bàng khác, non tuổi hơn, cũng đang trút lá, đỏ cả sân. Đình được công nhận là Di tích Quốc gia vào năm 2005.

Làng Chăm An Nhơn (Xuân Hải – Ninh Hải) cũng có cây bàng cổ thụ ở cuối làng. Điểm đặc biệt là cạnh gốc bàng có một giếng nước. Đây là nơi gắn với đời sống văn hóa – xã hội của bà con trong làng, được lưu giữ qua nhiều thế hệ người Chăm địa phương. Hình ảnh đó cũng đã được nhạc sỹ Amư Nhân ghi lại qua bài hát “Tình ca giếng nước - cây bàng” với những câu hát đượm tình: “Một giếng nước mát trong bên một cây bàng. Một tiếng hát ái ân cho lòng vấn vương...”

Thời tiết bất thường mang hơi lạnh phủ ôm xứ nắng, nhưng màu xanh tươi non của những chồi xuân hây hẩy trong nắng vàng vẫn khiến lòng người khoan khoái. Cây thay áo mới, phố phường tươi tắn hơn, lòng người trẻ lại, nhịp đời căng xanh, rạo rực.