Mùa vàng nghệ thuật

(NTO) Đón mùa xuân mới Quý Tỵ- 2013, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc Báo Ninh Thuận bốn gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu nhất trong năm 2012. Các anh đã đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi ảnh nghệ thuật, mỹ thuật cấp khu vực và cấp quốc gia. Tinh thần nỗ lực, sáng tạo của các anh đã đem về cho quê hương Ninh Thuận một mùa vàng nghệ thuật đáng tự hào, tạo nền tảng vững chắc cho phong trào sáng tác ở địa phương trong những năm tới .

Họa sĩ Nguyễn Công Văn

Chúng tôi gọi năm 2012 là năm “tỏa sáng” của họa sĩ Nguyễn Công Văn. Anh liên tiếp gặt hái những mùa vàng bội thu từ tác phẩm hội họa chất liệu sơn dầu: Đám tang người Chăm Bàlamôn. Bức tranh lấp lánh sắc màu tươi sáng thể hiện phong tục của đồng bào Chăm trước lúc tiễn đưa người ruột thịt trở về cõi vĩnh hằng. Anh đã mất nhiều ngày đi điền dã thu thập tư liệu và dành thời gian tròn bốn tháng hoàn thiện tác phẩm. Tác phẩm xuất sắc đoạt giải A Triển lãm mỹ thuật Miền Đông Nam Bộ lần thứ XVII tổ chức tại Tây Ninh, tháng 8-2012. Bức tranh nói trên vinh dự đoạt giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2012 và được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Sự thành công của Họa sĩ Nguyễn Công Văn tạo nên sự phát triển mới cho giới họa sĩ tỉnh nhà trên bước đường lao động sáng tạo, hội nhập với nền mỹ thuật đương đại Việt Nam.

Họa sĩ Nguyễn Công Văn
 
 
“Đám tang người Chăm Bàlamôn” của Họa sĩ Nguyễn Công Văn.

Họa sĩ Nguyễn Công Văn, sinh năm Đinh Dậu-1957 ở làng biển Tân An thuộc xã Tri Hải, huyện Ninh Hải. Tuổi thơ học ở trường làng, anh đam mê cầm cọ vẽ cảnh non xanh nước biếc in bóng những đoàn thuyền đánh cá trên vùng Đầm Nại hữu tình. Sau năm 1975, anh lên Phan Rang lập nghiệp chuyên vẽ quảng cáo vì cuộc mưu sinh. Khi kinh tế gia đình ổn định, anh rẽ qua sáng tác tranh nghệ thuật. Tranh của Nguyễn Công Văn hồn hậu, sắc màu tươi vui, đằm thắm, trữ tình. Tuy chưa được đến trường học chuyên ngành mỹ thuật nhưng trọn một đời lao tâm khổ tứ luyện nghề “cầm cọ”, anh có nhiều tác phẩm được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng thưởng: Lễ hội Ka Tê, Bác Ái mùa thu, Tảo mộ, Hội đâm trâu…

Nghệ sĩ Lê Văn Hùng

Lê Văn Hùng là tên tuổi thân thuộc trong giới nhiếp ảnh Việt Nam. Tròn 43 tuổi đời, anh đã có thời gian 20 năm cầm máy ảnh đi khắp các vùng miền trong cả nước. Ảnh của anh giàu chất thi ca gợi cho lòng người cảm mến nét đẹp hồn hậu về quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Bước vào làng ảnh nghệ thuật từ năm 2003, Lê Văn Hùng gặt hái nhiều thành công đáng trân trọng. Đặc biệt, tác phẩm Trường Sa Việt Nam của anh vinh dự đoạt Huy chương Vàng cuộc thi sáng tác ảnh đề tài Biên giới- Biển, đảo Việt Nam do Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức, tháng 8- 2012.

Nghệ sĩ Lê Văn Hùng
 
 
Tác phẩm “Trường Sa Việt Nam” của Nghệ sĩ Lê Văn Hùng.

Bức ảnh được nghệ sĩ Lê Văn Hùng bấm máy tại Trường Sa vào cuối năm 2012. Anh có dịp tháp tùng Đoàn công tác lãnh đạo tỉnh ta ra thăm quân dân huyện đảo Trường Sa bằng máy bay trực thăng. Sau ba giờ bay, Đoàn công tác nhìn thấy toàn cảnh huyện đảo Trường Sa thân yêu có hình dạng như chiếc lá xanh biếc giữa bốn bề sóng nước Biển Đông. Tranh thủ khoảnh khắc hiếm hoi, anh đã kịp bấm máy ghi lại dáng hình Trường Sa, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Nghệ sĩ Lê Văn Hùng có nhiều tác phẩm đặc sắc về quê hương, con người Ninh Thuận đoạt giải cao trong các cuộc thi ảnh nghệ thuật do trung ương và địa phương tổ chức. Với tác phẩm Trường Sa Việt Nam khẳng định sức sáng tạo nghệ thuật của anh đang vào độ chín. Là người “giữ lửa” phong trào sáng tác địa phương, anh tin tưởng các hội viên nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại Ninh Thuận tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong năm mới 2013.

Nghệ sĩ Nguyễn Bảo Sơn

Nghệ sĩ Nguyễn Bảo Sơn gặt hái nhiều thành công mới trên lĩnh vực ảnh nghệ thuật năm 2012. Tác phẩm Công trình mới của anh đoạt giải Khuyến khích Miền Đông Nam Bộ tổ chức tại Bình Thuận, tháng 10- 2012. Tác phẩm Công trình mới tiếp tục đoạt giải C Cup VAFA năm 2012 của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Tác phẩm Nắng mới của anh đoạt giải Đồng hạng chủ đề nông thôn mới tại Liên hoan ảnh nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh năm 2012.

Nghệ sĩ Nguyễn Bảo Sơn
 
 
“Công trình mới” của Nghệ sĩ Nguyễn Bảo Sơn .

Tác phẩm Công trình mới của Nguyễn Bảo Sơn được bấm máy tại công trình xây dựng điện gió huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Tác phẩm tựa hồ bức tranh thủy mặc phản ánh không khí lao động khẩn trương của lực lượng công nhân kéo dây đấu nối hòa lưới điện quốc gia. Tác phẩm Nắng mới được chụp tại thôn Bà Râu thuộc xã Lợi Hải ghi lại hình ảnh cán bộ y tế tận tình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào Raglai địa phương. Trong năm 2011, tác phẩm Chiều về của Nguyễn Bảo Sơn bấm máy tại vùng nông thôn xã An Hải đoạt giải A Cup VAFA của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Hai năm liên tiếp có tác phẩm xuất sắc đoạt Cup VAFA là thành công đáng nhớ trong cuộc đời cầm máy của anh.

Nghệ sĩ Nguyễn Bảo Sơn sinh năm 1971 là “hậu duệ” của Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Văn Bửu. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh xếp bút nghiên nối nghiệp cha đi theo con đường sáng tạo nghệ thuật ánh sáng. Ảnh của anh bàng bạc khói sương, phảng phất nét đẹp tựa hồ tranh thủy mặc làm lay động lòng người thưởng ngoạn. Tuổi bốn mươi, tuổi của sự trải nghiệm và thành công, chúc anh có nhiều tác phẩm mới đặc sắc trong năm mới Quý Tỵ- 2013.

Họa sĩ Huỳnh Ngọc Ánh

Ngày giáp tết Quý Tỵ, ngồi bên lều cỏ của Họa sĩ Nguyễn Công Văn, anh bình chọn Huỳnh Ngọc Ánh là gương mặt tiêu biểu phong trào sáng tác mỹ thuật tỉnh nhà năm 2012. Tác phẩm Biểu diễn nhạc cụ dân tộc Chăm tranh lụa khổ 80x160 cm của anh được tặng thưởng tại Triển lãm mỹ thuật Miền Đông Nam Bộ lần thứ XVII, tháng 8-2012. Tác phẩm được Hội Mỹ thuật Việt Nam chọn giới thiệu tham dự giải thưởng xuất sắc năm 2012 của Liên hiệp các Hội Văn học- Nghệ thuật Việt Nam.

Họa sĩ Huỳnh Ngọc Ánh
 
 
“Biểu diễn nhạc cụ dân tộc Chăm” của Họa sĩ Huỳnh Ngọc Ánh. 

Con đường đến với mỹ thuật của Huỳnh Ngọc Ánh là một chặng đường dài nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ. Anh được đào tạo chuyên ngành Sư phạm mỹ thuật tại Trường Sư phạm cấp II Thuận Hải, niên khóa 1987- 1988. Sau khi ra trường, anh tình nguyện ra huyện đảo Phú Quý giảng dạy. Đến năm 1994, anh trở về quê nhà tiếp tục giảng dạy mỹ thuật tại Trường THCS Võ Thị Sáu. Huỳnh Ngọc Ánh tiếp tục theo học khoa hội họa thuộc Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, niên khóa 2004- 2009. Tuổi thơ Huỳnh Ngọc Ánh sinh sống bên dòng sông Dinh thơ mộng. Anh được dự các lễ hội, thăm thú các làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm. Từ năm 1996 đến nay, Họa sĩ Huỳnh Ngọc Ánh có gần 20 tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật. Sáng tác của anh thiên về tranh lụa đường nét mềm mại, sắc màu tươi mới thể hiện sinh động đời sống vùng đồng bào dân tộc Chăm. Các tác phẩm tiêu biểu của anh: Nghề truyền thống được Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học- Nghệ thuật Việt Nam tặng thưởng năm 2009; Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng thưởng năm 2010.

“Trong năm mới 2013, tôi tập trung sáng tác chủ đề Bác Hồ với thiếu nhi, Bác Hồ với đồng bào các dân tộc thiểu số. Được vẽ tranh về Bác Hồ là niềm hạnh phúc lớn lao của mỗi người họa sĩ thể hiện lòng kính yêu Bác và học tập, làm theo tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của Bác”, Họa sĩ Huỳnh Ngọc Ánh bộc bạch niềm vui trước mùa xuân Quý Tỵ.