Chợ quê

(NTO) Không biết tự lúc nào, tôi rất thích đi chợ ở những miền quê. Nơi ấy cho dù không nhiều và đầy đủ mọi vật dụng như trên thành phố nhưng vẫn có những điều đặc biệt mà ở nơi phồn hoa đô thị chắc chắn không tài nào tìm kiếm nổi. Chợ quê đã đi vào lòng tôi từ vùng này đến miền kia, mỗi nơi đậm một màu sắc khác nhau và mãi thắp sáng trong dải hoài niệm không bao giờ quên được.

Tôi từng tha thẩn hàng giờ ở dưới tàng cây rộng khi ngồi xem một chị đổ bánh cuốn, bánh bèo hoặc nướng bánh khoai mì, đổ bánh thửng… Đã từng ngồi trước một chảo bánh nhúng, chảo chuối chiên to đùng, từng chiếc bánh giòn rụm được vớt ra để trên một chiếc sàng nhỏ cho ráo dầu khiến tôi không thể cầm lòng. Mùi bánh bay lên quyện với mùi khói của những cành củi nhỏ nổ tí tách tỏa ra gây một sức quyến rũ từ khứu giác. Đây là một trong nhiều món quà quê dân dã không thể thiếu mà hầu hết các mẹ đi chợ về đều có phần cho những đứa con mình.

Một góc chợ quê Hữu Đức thuộc xã Phước Hữu (huyện Ninh Phước) ngày nay.
Ảnh: Sơn Ngọc

Có lúc tôi ngẩn ngơ trước một cụ ông ngồi đan rổ, rế, sàng, thúng…bằng những sợi tre làng được chuốt mỏng thành từng cọng nhỏ xíu. Chiếc rổ xinh xắn theo bàn tay ông dần hiện ra, theo tôi là một kiệt tác vĩ đại. Sát bên chân ông là một chiếc gùi be bé trong đó có khoảng chục cây sáo lớn, nhỏ được ông mài dũa và đục lỗ rất công phu. Theo tôi nghĩ, chắc khi thổi âm thanh của nó sẽ lan rộng và réo rắt lắm đây!

Chợ quê thường nhóm dọc theo con đường làng hoặc từ một khu đất trống có vài cây cổ thụ gần trung tâm dân cư sinh sống. Nhìn từ xa, dưới tán cây me tây già là hàng nước. Hàng nước chủ yếu là bán nước đậu săng hoặc râu bắp non nấu với mía cây cho người đi chợ hay người làm đồng về uống giải khát trong những buổi trưa hè oi ả. Chủ hàng nước là một bà già miệng luôn nhai trầu bỏm bẻm nhưng vô cùng xởi lởi, hay giúp đỡ mọi người. Nghe chị đổ bánh cuốn kể lại, vườn nhà bà có cây mít rất ngon, ruột vàng ươm và vô cùng ngọt lịm. Đến mùa mít chín bà mang ra chợ bán, tuy nhiên bán rất rẻ, chủ yếu là cho mọi người cùng thưởng thức hương vị vườn nhà mà thôi.

Sát bên bà, chị bán hàng khô còn khá trẻ, đôi mắt lúng liếng lúc nào cũng như đang cười, chung quanh chị chất và treo nhiều thứ, dường như cái gì cũng có: gương, lược, kim, chỉ, nút, dầu gội, bồ kết, dao, kéo, xoong, nồi, viết, vở, móc áo, ổ khóa, trầu, cau, thuốc lá, rượu nếp trắng… Còn có cả quần áo, giày dép, nón lá và nhiều vật dụng khác nữa. Có thể nói hàng chị luôn đông khách và tấp nập người mua nhất, chẳng hiểu vì bán nhiều thứ hay vì cái duyên ăn nói của chị?

Phía góc bên phải chợ, cạnh khóm tre xanh rì, cao ngút ngàn là chỗ bán rau, hầu hết được các cô, các dì luống tuổi gánh tới từ vườn nhà của mình. Đủ cả, nào là bông bí vàng ruộm, vài trái mướp hương vừa mới cắt từ trên giàn, thúng rau cải thì xanh mướt bên cạnh mớ cà pháo, cà tím vừa mới vặt sớm nay, có trái còn nguyên cả lá. Vài trái ớt đỏ, quả chanh mọng nước, trái dưa leo căng tròn còn dính cuống chen lẫn giữa rổ rau mồng tơi, rau đay, rau má, rau cải trời còn thấm đẫm cả giọt sương mai, hình như vội quá họ chưa kịp nhặt ra.

Những chùm mận hồng đào mướt rượt nằm kề khoảng chục trái quít đường chín đỏ. Quả dưa bở nứt toát vì quá chín để cạnh mớ ổi sẻ ruột hồng làm dậy lên một mùi hương khó tả giữa khung cảnh chợ quê. Nơi này là chỗ tan chợ sớm nhất, nắng lên chừng hai con sào là mọi người gần như bán hết, lục tục kéo về nhà nhường chỗ cho một bác chuyên rèn và sửa chữa những dụng cụ nhà nông như lưỡi hái, cuốc, xẻng, rựa…

Đối diện với nơi bán rau, trên khu đất cao ráo là là những chiếc lều nhỏ lợp bằng mái rạ hoặc lá dừa chuyên bán đồ ăn với vài ba hàng gồm: xôi vò đậu xanh, cháo trắng kèm với cá bống kho mặn…Món ngọt thì có thêm chè đậu đen hoặc chuối hấp nước cốt dừa. Những chiếc bánh ít nhân đậu xanh, nhân dừa pha lẫn đậu phọng được gói bởi lá chuối hột xanh um, đặt gọn gàng trên một cái tràng nhỏ. Kề bên là một thúng khoai lang ngào đường còn nghi ngút khói, phía trên thúng là những sợi dừa được chuốt nhỏ, bay mùi thơm phức.

Cuối cùng của chợ là dãy bán cá, đa phần là cá đồng. Những chú cá bống tượng, cá rô, cá chép, cá lòng tong được câu hoặc bắt về hồi khuya còn nhảy dựng lên trong chậu. Kế bên là rổ cua đồng bò lổn ngổn chung với vài con trai đang nằm hé mồm để thở. Thúng ốc bươu vàng được đặt ngay bên cạnh quầy chuối chát còn nguyên cả bắp chuối đỏ lựng. Thích nhất là những chị tôm càng xanh, cái đầu khá to nhưng thân mình lại nhỏ xíu đồng thời mang cái bụng vàng đầy trứng. Màu xanh của những chiếc càng ánh lên trong nắng sớm khiến cho vẻ đẹp của chợ thêm phần màu sắc đa dạng.

Lác đác có vài người đi chợ sớm, một lát sau đó dần dần đông hơn, nắng đã lên cao nhuộm cả một màu vàng nhẹ. Người bán lẫn người mua dường như có quy ước sẵn, chẳng ai nói thách và không ai trả giá, sự trao đổi diễn ra ngắn gọn bởi tất cả sản phẩm mang đến chợ đều tươi ngon và không nhiều. Hầu như cái gì tôi cũng thích mua và cứ sợ người bán cho thêm nhiều quá sẽ bị lỗ. Quả thật, hàng hóa ở chợ quê rất rẻ vì toàn cây nhà lá vườn, thêm vào đó người bán khá thật thà, đôn hậu. Tôi cố chịu đựng, khệ nệ xách chiếc giỏ nặng trĩu đầy ắp mọi thứ mà bụng như còn luyến tiếc muốn mua thêm nhiều món nữa.

Dẫu sao đối với tôi, chợ vẫn là cái hồn của quê hương, phản ánh phần nào đời sống của cư dân đang sinh sống nơi đó. Tính cách của họ được bộc lộ qua sự trao đổi, nét ứng xử và bày tỏ cảm xúc của mình mà không hề che giấu. Thật vậy, chợ quê đã đi sâu vào tâm thức của người Việt ta hòa vào dòng chảy văn hóa tự bao đời, trải qua bao nhiêu biến đổi nhưng truyền thống đó vẫn không phai mờ. Chợ quê còn là nơi chốn gặp nhau của mọi tầng lớp trong xã hội, nơi mà khi bất chợt thấy nhau giữa chợ, tay bắt mặt mừng họ luôn kể cho nhau nghe về chuyện đồng áng, chuyện gia đình, về cuộc sống thường nhật xảy ra quanh mình.

Xã hội ngày càng văn minh, mức sống con người ngày càng cao, càng sống giữa bao công trình nguy nga, hiện đại thì những hình ảnh về cánh đồng, con trâu đi với cái cày, mái đình, chợ quê… càng lùi xa vào ký ức của người dân thành phố. Không biết rồi đây thời gian có phủ lấp tất cả hay không? Chợt nhớ khổ thơ bất hủ Hành Phương Nam của Nguyễn Bính:

…Ta đi nhưng biết về đâu chứ?

Đã dấy phong yên lộng bốn trời.

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ.

Uống say mà gọi thế nhân ơi!...

Dọc đường về nhà, hai bên là cánh đồng lúa xanh mơn mởn đang thì con gái, tôi cứ mong rằng cái nét đẹp văn hóa chợ quê sẽ được gìn giữ và mãi lưu truyền đến nhiều thế hệ sau, để ai đó còn cảm thấy khao khát mỗi lần được đến chợ, được tận hưởng nét dân dã, sự ngọt ngào, ấm cúng, niềm thông cảm, sẻ chia, thấm đẫm tình người dành cho nhau và điều mặc cả sẽ hoàn toàn biến mất giữa cuộc đời này.