Đề án 06: Đẩy mạnh Dịch vụ công trực tuyến toàn trình phục vụ người dân và doanh nghiệp

Hiện nay, các sở, ngành, địa phương quyết liệt triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt, hiện nay, đang tập trung tăng cường triển khai thực hiện dịch vụ công thiết yếu mức độ 3, mức độ 4 để giảm tối đa thời gian đi lại của công dân, doanh nghiệp, tiết kiệm kinh phí cho nhà nước trong công tác lưu trữ, bảo quản hồ sơ.

 Thời gian qua, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các sở, ban, ngành, địa phương đã tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1266/KH-UBND ngày 18/3/2021 về việc số hóa kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ; Công văn số 2009/UBND-PVHCC ngày 13/5/2022 về việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (giao các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 1266/KH-UBND ngày 18/3/2021 của UBND tỉnh và quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020); trong năm 2024 tiếp tục số hóa đạt 100% kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực. Đến nay, hầu hết kết quả giải quyết hồ sơ TTHC được cung cấp đồng thời cả bản điện tử có đầy đủ giá trị pháp lý cho người dân, doanh nghiệp theo Nghị định số 45/2020/NĐ-CP.

Tỉnh đã triển khai giao doanh nghiệp bưu chính công ích tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh đối với 5 Sở có hồ sơ đơn giản và ít phát sinh hồ sơ gồm: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ, Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông. Tiếp tục xây dựng đề án giao doanh nghiệp bưu chính công ích đảm nhiệm một số công việc trong giải quyết TTHC và thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC).

Nhiều người dân, doanh nghiệp đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh liên hệ công việc. Ảnh: Văn Nỷ

Hiện nay, Cổng Dịch vụ công của tỉnh tích hợp, kết nối thông suốt giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, với 161 tài khoản được cấp cho cán bộ, công chức một cửa để khai thác 20 trường thông tin cơ bản của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ trong việc giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đã phối hợp thực hiện hoàn thành việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu kết quả giải quyết TTHC giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC các Bộ, ngành Trung ương, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Số lượng DVCTT của tỉnh là 1.126 DVCTT, trong đó có 582 DVCTT toàn trình và 544 DVCTT một phần (Cấp tỉnh 853 DVCTT, trong đó 490 DVCTT toàn trình và 363 DVCTT một phần; cấp huyện 196 DVCTT, trong đó 58 DVCTT toàn trình và 138 DVCTT một phần; cấp xã 77 DVCTT, trong đó 34 DVCTT toàn trình và 43 DVCTT một phần). Đồng bộ trạng thái và đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 985/1.126 DVCTT, đạt 87,48%; từ ngày 01/01/2024 đến ngày 5/11/2024, toàn tỉnh đã tiếp nhận được 265.032 hồ sơ, trong đó có 209.985 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến (chiếm 79,23%), 54.552 hồ sơ tiếp nhận trực tiếp (chiếm 20,58%) và 495 hồ sơ tiếp nhận qua bưu chính công ích (chiếm 0,19%). Đã giải quyết được 259.583 hồ sơ, trong đó 258.945 hồ sơ đã giải quyết sớm hạn và đúng hạn (chiếm 99,75%), 638 hồ sơ giải quyết trễ hạn (chiếm 0,25%). Tổng số hồ sơ đồng bộ trạng thái lên Cổng dịch vụ công quốc gia là 228.052/265.032 hồ sơ, đạt 86,05%. Kết quả giải quyết hồ sơ TTHC cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã rút ngắn được thời gian và chi phí hành chính, khắc phục trình trạng gây phiền hà, sách nhiễu khi thi hành nhiệm vụ, công vụ. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn, hồ sơ giải quyết trực tuyến đều đạt cao, vượt chỉ tiêu quy định.

Công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nhiệt tình hướng dẫn người dân làm TTHC. Ảnh: Văn Nỷ

Về thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, tiếp tục duy trì thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết các TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các Sở, ngành, địa phương theo quy định. Đối với cấp tỉnh, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng DVCTT trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 7/7 huyện, thành phố và 65/65 xã, phường, thị trấn (nay còn 62 xã, phường, thị trấn) thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Mô hình một cửa hiện đại đã đi vào hoạt động tại 7/7 huyện, thành phố và đạt được những kết quả thiết thực, tạo được sự hài lòng của công dân, tổ chức khi đến giao dịch. Thông qua việc thực hiện mô hình một cửa hiện đại, thời gian giải quyết TTHC được rút ngắn, số lượng công việc được giải quyết tăng hơn so với trước đây.

Ngoài ra, UBND tỉnh thường xuyên theo dõi, giám sát việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả đúng theo quy trình TTHC đã được Chủ tịch UBND tỉnh công bố, nên chất lượng giải quyết hồ sơ ngày càng nâng lên, đa số hồ sơ đều giải quyết đúng và trước hẹn. Theo quy định hiện nay, việc trễ hẹn hồ sơ phải được thực hiện xin lỗi, thông báo cam kết thời hạn trả kết quả; từ đó, đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong tiếp nhận và giải quyết TTHC, tạo niềm tin đối với tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC tại địa phương. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương đã từng bước cải tiến lề lối làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của các cơ quan, đơn vị, địa phương,…, góp phần phục vụ các tổ chức, cá nhân ngày càng tốt hơn.

Tại cuộc họp triển khai Đề án 06 mới đây, Cơ quan thường trực Tổ công tác Đề án 06 tỉnh – Công an tỉnh Ninh Thuận đề nghị Trung tâm hành chính công tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhóm DVCTT liên thông, ưu tiên rà soát tái cấu trúc quy trình tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2024 theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 28/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Tham mưu theo dõi đôn đốc việc triển khai thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm phiền hàm, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp theo tinh thần nội dung Công văn số 5939/UBND-PVHCC ngày 17/12/2024 của UBND tỉnh.