Vừa qua, Hội LHPN tỉnh tổ chức Hội nghị “Chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ TE”. Tại hội nghị, các bậc phụ huynh đã cùng nhau lắng nghe những chia sẻ từ các sở, ngành, địa phương, gia đình về các vấn đề liên quan đến cách chăm sóc TE như: Phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, TE; việc chăm sóc, giáo dục, nuôi dạy trẻ tại gia đình; an toàn giao thông; phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Có mặt tại hội nghị, chị Tô Quế Thị Loan (dân tộc Raglai), thôn Tà Lú 3, xã Phước Đại (Bác Ái) tâm đắc với nhiều chia sẻ, cách làm hay trong nuôi dạy con trẻ. Chị Loan chia sẻ: Thật đáng quý khi Hội LHPN tỉnh đã tổ chức một hội nghị với nhiều kiến thức giúp những người cha mẹ chúng tôi nên học hỏi và áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, tôi sẽ truyền tải những nội dung bổ ích này đến các chị em hội viên tại các buổi sinh hoạt hội phụ nữ, cộng đồng để TE có thêm nhiều điều kiện được chăm sóc tốt hơn.
Hội viên phụ nữ Raglai chia sẻ về cách chăm sóc trẻ em.
Đây chỉ là một trong rất nhiều hoạt động mà các cấp Hội LHPN triển khai nhằm giáo dục, hỗ trợ cho cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ TE. Để tạo sức lan tỏa và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con cho hội viên, cha mẹ có con dưới 16 tuổi thông qua nhiều hình thức như: Tuyên truyền miệng, mạng xã hội, các hội thảo, sinh hoạt các mô hình, câu lạc bộ... Đặc biệt, những năm qua, nhờ việc triển khai Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và TE”, các cấp Hội LHPN trong tỉnh có thêm nhiều cơ hội, hoạt động nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức của cha mẹ trong trong chăm sóc TE tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Là một trong những địa phương thực hiện dự án, thời gian qua, Hội LHPN huyện Bác Ái linh động triển khai hiệu quả các nội dung, mô hình, câu lạc bộ nhằm tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và TE, trong đó có việc giáo dục cha mẹ chăm sóc và bảo vệ TE. Với mạng lưới và số lượng thành viên tham gia lớn, tổ truyền thông cộng đồng thuộc Dự án 8 đã phát huy hiệu quả là “kênh” kết nối, thúc đẩy quyền bình đẳng giữa nữ và nam giới trong hoạt động chăm sóc và nuôi dạy con cái. Đơn cử tại thôn Trà Co 1, xã Phước Tiến, vào mỗi đầu và cuối tháng, tổ truyền thông cộng đồng sẽ sinh hoạt định kỳ. Tại đây, các thành viên tổ sẽ xây dựng các chủ điểm sinh hoạt phù hợp với từng thời điểm, đặc trưng của địa phương, thu hút đông hội viên phụ nữ và cộng đồng tham gia. Đối với vấn đề giáo dục cha mẹ chăm sóc TE, các thành viên sẽ luân phiên phổ biến, hướng dẫn phụ huynh trong phòng, tránh tai nạn, thương tích, đuối nước; quan tâm chuyện học tập, sinh hoạt của các con; tuyên truyền phòng, chống tảo hôn; các kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ TE khi phát hiện bị bạo hành, xâm hại... góp phần chuyển biến không chỉ nhận thức mà còn hành động của cha mẹ. Nhờ vậy, nhiều vấn đề “nan giải” trước đây như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại địa phương không còn diễn ra; tỷ lệ trẻ đi học đúng độ tuổi đạt 100%; thể trạng trẻ được tăng cường... Chị Pi Năng Thị Quyên chia sẻ: Ngày trước chồng mình hay mặc định việc nuôi dạy con là của phụ nữ. Đảm nhận nhiều công việc nên đôi lúc mình không thể chăm sóc chu đáo hai con được. Nhờ vận động chồng tham gia các hoạt động của tổ, “mưa dầm thấm lâu”, chồng mình đã dần biết quan tâm, chăm sóc con hơn bằng những hành động đơn giản như: Cho con ăn, dạy con học, hướng dẫn con cách bảo vệ bản thân và nhờ người lớn giúp đỡ khi gặp nguy hiểm. Nhờ vậy, các con ngày càng mạnh dạn, tự tin hơn.
Làm cha mẹ là một “nghề” đặc biệt, một công việc thiêng liêng với nhiều yêu cầu khác nhau, không đơn thuần từ bản năng mà cần được giáo dục, đào tạo, hướng dẫn cả về kiến thức và kỹ năng. Với những việc làm cụ thể trên, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã góp phần quan trọng trong giúp đỡ, đồng hành cùng cha mẹ thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc con trẻ, nhất là TE vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn. Qua đó, tạo điều kiện cho TE phát triển một cách toàn diện nhất, trở thành trụ cột tương lai của đất nước.
Lê Thi