Sau mỗi ngày, cô Nguyễn Thị Tuyến, thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) có thói quen phân loại rác ngay từ trong gia đình. Cô Tuyến cho biết: Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi thải ra môi trường khoảng 2kg rác thải, trong đó chủ yếu là các loại lá cây, thức ăn thừa, phụ phẩm nông nghiệp hay các loại túi nilon, chai nhựa... Trước đây mọi rác thải sinh hoạt của gia đình, tôi đều đổ vào bao tải rồi tập kết ở trước cổng công nhân vệ sinh thu gom, nhưng nay tôi đã dần thay đổi thói quen phân loại rác. Rác thải hữu cơ như lá cây, thức ăn thừa, phụ phẩm nông nghiệp... được đổ dồn vào hố xử lý; rác thải nhựa có thể tái chế được để riêng để bán phế liệu... Từ cách làm này, lượng rác phải chở đi cũng giảm khoảng một nửa, mùi hôi từ các túi rác thải tập kết lâu ngày cũng không còn. Sau một thời gian, rác hữu cơ còn trở thành phân bón cho cây ăn quả trong vườn, tiết kiệm được chi phí mua phân bón.
Diện mạo xã Thành Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) ngày càng xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Mỹ Dung
Không riêng gia đình cô Tuyến, sau khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, nhận thức của người dân trong việc giữ vệ sinh môi trường được nâng cao, bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã xây dựng được hố xí hợp vệ sinh, cách ly giữa gia súc, gia cầm, vật nuôi với con người. Công tác quản lý các hệ thống cấp nước đã đi vào nền nếp; các công trình được tu sửa bảo dưỡng thường xuyên, chất lượng nước đảm bảo theo tiêu chuẩn và ngày càng được nâng cao. Người dân dần nâng cao nhận thức tự nguyện tham gia bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon, việc thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật để bỏ đúng nơi quy định. Đến nay, toàn tỉnh có 32/47 xã đạt chuẩn NTM, trong đó riêng tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm có 39/47 xã hoàn thành; trên 40% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn.
Để duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường, cùng với việc ký hợp đồng với công ty môi trường thu gom rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình, các hội đoàn thể, người dân tích cực xây dựng nhiều mô hình về đường hoa, công viên thôn gắn với triển khai thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất, phá bỏ tường rào để chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh ở các đường làng và hộ gia đình để tạo không gian xanh, lan tỏa mô hình sáng- xanh - sạch - đẹp, an toàn tại các thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu Nha Hố 1, Nha Hố 2, Đắc Nhơn 3 (xã Nhơn Sơn), Lâm Phú (xã Lâm Sơn), Khánh Hội (xã Tri Hải), Mỹ Tân 1 (xã Thanh Hải), Long Bình 1 (xã An Hải), tạo cảnh quan môi trường sống xanh - sạch - đẹp.
Cùng với việc chú trọng xây dựng cảnh quan nông thôn, phong trào NTM tạo “bước đệm” để người dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, áp dụng phương pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường. Đến nay, chương trình nước sạch vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,73% và hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 97,53 %. Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường và chuồng trại chăn nuôi trên địa bàn đảm bảo hợp vệ sinh cao. Hầu hết các hộ chăn nuôi cũng quan tâm thực hiện đầy đủ theo quy định về bảo vệ môi trường. Tình trạng ô nhiễm từ nguồn chất thải được kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh cơ sở, gây ô nhiễm môi trường, chuồng trại nuôi nhốt, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Người dân xã Thành Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) xây dựng nhiều tuyến đường hoa góp phần xây dựng cảnh quan ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Anh Lê Tiến Dũng, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết: Tiêu chí môi trường là tiêu chí quan trọng, có sự biến động theo đời sống xã hội nên khi thực hiện các địa phương gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, đối với công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung áp dụng biện pháp phù hợp ở khu vực nông thôn do chi phí cao nên đến nay toàn tỉnh vẫn chưa xây dựng được; một số người dân, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường... Trước những thách thức đó, để duy trì và nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, thời gian tới các địa phương tiếp tục triển khai các mô hình thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi tập trung bằng công nghệ sinh học Biogas và thử nghiệm, từng bước xây dựng mô hình thu gom và ép thành phân hữu cơ xử lý chất thải chăn nuôi heo công nghiệp tại các trang trại chăn nuôi tập trung. Đồng thời, tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch và thực hiện chăn nuôi tập trung tại mỗi địa phương. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chăn nuôi.
Mỹ Dung