Với vai trò là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích cho PN và TE, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã chủ trì thực hiện tốt Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với PN và TE” (gọi tắt dự án) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Thông qua các mô hình, hoạt động của dự án đã góp phần tích cực trong công tác bảo vệ, thúc đẩy quyền của PN và TE gái.
Trẻ em gái tự tin nói lên tiếng nói của mình
Có dịp đến với Trường TH-THCS Võ Văn Kiệt, xã Phước Chính (Bác Ái), chúng tôi được tham dự buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” (CLB). Được biết, CLB ra mắt và đi vào hoạt động vào tháng 10/2023 với 30 thành viên gồm các em học sinh (HS) nam và nữ, định kỳ mỗi tháng sinh hoạt một lần. Tại đây, các em được trao đổi, thảo luận những kiến thức về quyền TE; phòng, chống tảo hôn; xâm hại TE, tai nạn thương tích, bạo lực học đường thông qua hình thức: Vẽ tranh, thảo luận nhóm, đóng kịch... Thầy giáo Hoàng Văn Hải, Quản trình viên CLB trường cho biết: Chỉ trong thời gian ngắn triển khai, các thành viên CLB đã tiến bộ rất nhiều, các em biết thêm nhiều kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trước những mối nguy hiểm; phát huy được vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, dẫn dắt và thúc đẩy các em HS khác lên tiếng về quyền được sống an toàn, được bảo vệ tránh khỏi các hành vi bạo lực, xâm hại,... Đây là một diễn đàn bổ ích, ý nghĩa cho TE gái nói riêng, TE vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung. Em Chamaléa Thị Ái Duyên, thành viên CLB chia sẻ: Tham gia CLB, em không còn rụt rè mà chủ động hơn khi giao tiếp, hưởng ứng các hoạt động của nhà trường. Với những kiến thức được tiếp thu, em sẽ tuyên truyền lại cho bạn bè, người thân, gia đình để cùng chung tay xóa bỏ thói quen có hại trong đời sống. Để làm được điều này, trước tiên em phải là tấm gương sáng, nỗ lực ra sức rèn luyện để đạt kết quả tốt trong học tập. Nhờ việc sinh hoạt đều đặn cùng với tinh thần tích cực của các thành viên, đã giúp CLB xuất sắc vượt qua 13 CLB khác trên địa bàn tỉnh giành giải Nhất toàn đoàn trong Cuộc thi “Thủ lĩnh tài năng” được Hội LHPN tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức trong tháng 10 vừa qua.
Tiểu phẩm dự thi của Trường TH-THCS Phước Chiến (Thuận Bắc) tại Cuộc thi “Thủ lĩnh tài năng” năm 2024
do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Tính đến nay, Hội LHPN tỉnh triển khai và nhân rộng CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại 14 trường THCS, THPT trên địa bàn các huyện: Bác Ái, Thuận Bắc và Thuận Nam.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của phụ nữ
Bên cạnh CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, dự án còn triển khai các mô hình dựa vào cộng đồng nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của PN liên quan đến thực hiện bình đẳng giới. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ các định kiến về khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục có hại và một số vấn đề cấp thiết cho PN và TE.
Cụ thể, các cấp hội đã thành lập và duy trì 77 tổ truyền thông cộng đồng. Thành viên tổ đã phát huy tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình, đa dạng hình thức tuyên truyền, lựa chọn hình thức phù hợp với từng nội dung, đối tượng người dân trong thôn, xóm như: Phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới... thu hút nhiều hội viên PN, cộng đồng tham gia. Cùng với đó, 8 mô hình “Địa chỉ tin cậy” đã tạo điểm tựa tin cậy cho PN, TE khi có bạo lực gia đình xảy ra; cung cấp kiến thức để PN nhận diện rõ những hành vi bạo lực để ứng xử phù hợp.
Nhờ triển khai đồng bộ, có hiệu quả, PN dân tộc thiểu số đã hiểu rõ được giá trị của bình đẳng giới cũng như vai trò, trách nhiệm của bản thân trong xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm, tiến bộ. Chị Vó Thị Ly, dân tộc Raglai, thôn Trà Nô, xã Phước Hà (Thuận Nam) cho biết: Được các cấp hội PN tuyên truyền, tôi và gia đình nhận thức đầy đủ hơn về quyền PN trên các lĩnh vực. Nếu như trước đây, cuộc sống PN gói gọn trong gia đình và công việc đồng án, nay tôi đã mạnh dạn mở rộng và chủ động phát triển kinh tế; tham gia, hưởng ứng các phong trào của địa phương, như: Các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Cùng những hội viên khác tích cực tuyên truyền, phổ biến trong gia đình, tộc họ, cộng đồng về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; vận động con cháu tích cực học tập, lao động; nam giới tham gia chia sẻ với PN trong chăm sóc con cái, phát triển kinh tế; lên án, giải quyết các hành vi bạo lực gia đình về thể xác lẫn tinh thần.
Dự án đã thổi một “luồng gió mới” tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cũng như hành động của PN và TE gái; giúp phát huy tốt vai trò làm chủ cuộc sống, tự tin khẳng định bản thân; tích cực đóng góp công sức, trí tuệ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Lê Thi