Thời gian qua, cùng với việc nỗ lực phấn đấu của từng HV, các cấp hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để thực hiện ủy thác, giúp các HV tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Hiện nay, Bác Ái có 9/9 cơ sở hội xã với 23 tổ tiết kiệm và vay vốn/1.235 hộ vay, với tổng dư nợ trên 49,3 tỷ đồng. Có nguồn vốn, nhiều gia đình HV đã tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; áp dụng mô hình trang trại, gia trại, cánh đồng mẫu lớn, nuôi bò sinh sản, nuôi trồng thủy sản, sản xuất, kinh doanh; góp vốn xoay vòng... Việc phát triển các mô hình kinh tế đã góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, để tiến lên sản xuất tập trung và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, đến nay trong toàn HV có trên 3.000 con bò, trên 100ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, 17 gia trại, 9 cơ sở kinh doanh... đã giải quyết việc làm cho trên 50 con em HV CCB. Qua đó, giúp kinh tế nhiều gia đình HV ngày càng phát triển, thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm. Phát huy tinh thần đồng đội, các HV còn giúp nhau phát triển kinh tế, thực hiện mô hình nuôi bò rẻ, dê rẻ tạo điều kiện cho HV có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo. Gia đình CCB Katơr Hoi, ở thôn Rã Giữa, xã Phước Trung là một điển hình. Ông Hoi chia sẻ: Là CCB, tôi nhận thức sâu sắc “yêu nước thì phải thi đua, thi đua thì phải yêu nước”.
Nhận thấy ở địa phương có tiềm năng để phát triển chăn nuôi gia súc nên từ nguồn vốn vay 20 triệu đồng của Ngân hàng CSXH và vốn của gia đình, năm 2012 tôi quyết định mua 5 con bò về chăn nuôi kết hợp trồng cỏ dự trữ thức ăn tươi cho đàn gia súc. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên đàn bò ngày càng phát triển, đến nay tổng đàn bò được 30 con, dê được 41 con, cuộc sống gia đình giờ đã ổn định. Hiện tôi đang cho 4 gia đình HV nuôi bò rẻ với số lượng 12 con để giúp các hộ có điều kiện phát triển kinh tế.
Qua các phong trào trên đã giúp cho HV nghèo, hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm 100 hộ (từ 17,66% hộ nghèo giai đoạn 2014-2019 còn 7,15% hộ nghèo giai đoạn 2019-2024). Bên cạnh các hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thời gian qua, CCB huyện Bác Ái còn gương mẫu đi đầu và tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, có 12 HV hiến trên 3.000m2 đất làm đường nông thôn và kênh mương nội đồng, góp phần xây dựng NTM ở địa phương.
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho cựu chiến binh Katơr Yên
(thứ 2 từ trái sang) ở thôn Tà Lú 2, xã Phước Đại.
Giai đoạn 2019-2024, Huyện hội Bác Ái xóa được 46 căn nhà tạm bợ cho HV khó khăn về nhà ở, qua đó giúp các HV có điều kiện an cư lập nghiệp, ổn định cuộc sống. Đến thăm ngôi nhà mới vừa được xây dựng của gia đình CCB Katơr Cường, thôn Ma Dú, xã Phước Thành, chúng tôi cảm nhận niềm vui hòa lẫn niềm xúc động hiện rõ trên khuôn mặt của ông. Ông Cường, chia sẻ: Gia đình tôi thuộc diện khó khăn về nhà ở, vừa rồi được nhóm Nghĩa tình đồng đội TP. Hồ Chí Minh và doanh nhân Trương Hợp Ý hỗ trợ 80 triệu đồng. Hội CCB tỉnh và ông Nguyễn Ngọc Tuyên ở phường Đài Sơn (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) hỗ trợ 1 bộ cửa sắt trị giá 15 triệu đồng, gia đình góp thêm 20 triệu đồng xây ngôi nhà “Nghĩa tình đồng đội”. Được ở trong ngôi nhà mới gia đình mừng lắm, đây là nguồn động viên lớn để gia đình tiếp tục vươn lên ổn định cuộc sống. Cũng như gia đình ông Cường, niềm vui đến với gia đình CCB Katơr Yên ở thôn Tà Lú 2, xã Phước Đại khi tháng 10/2023, được Ngân hàng HDBank chi nhánh tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ 50 triệu đồng, Hội CCB tỉnh và Công ty TNHH MTV Châu Toàn hỗ trợ 1 bộ cửa gỗ trị giá 15 triệu đồng, gia đình góp thêm tiền xây được căn nhà mới để “an cư, lạc nghiệp”. Bên cạnh đó, được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bác Ái tạo điều kiện cho vay vốn phát triển kinh tế, gia đình đã quyết định mua 4 con bò về nuôi và canh tác 6 sào mì. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên kinh tế gia đình ngày càng phát triển.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Bác Ái, cho biết: Với đặc thù là huyện miền núi, đa số HV là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, song thời gian qua, CCB huyện luôn phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Đặc biệt, phong trào CCB giúp nhau phát triển kinh tế thực sự đã khơi dậy tình đoàn kết, “tương thân, tương ái”, tình cảm đồng chí đồng đội, phát huy ý thức tự lực tự cường, tính năng động của HV. Qua thực hiện phong trào đã có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CCB, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi chương trình giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới Hội CCB huyện tiếp tục thực hiện tốt phong trào chăm lo, giúp đỡ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho HV; phát triển đa dạng hóa các mô hình kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm làm ra; nhân rộng các mô hình kinh tế hoạt động hiệu quả cao do CCB làm chủ, phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Trong đó tập trung phát triển mô hình kinh tế gia đình, trang trại, gia trại và phải biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, gắn với đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo để đạt hiệu quả kinh tế cao; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH, thường xuyên trao đổi thông tin, quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, nâng cao chất lượng tín dụng và thực hiện ủy thác. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, phấn đấu 100% tổ hoạt động khá, tốt; đẩy mạnh phong trào thi đua “CCB gương mẫu” gắn với phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”...
Kha Hân