Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tỉnh ta tranh thủ nhiều nguồn vốn hỗ trợ của trung ương và huy động từ các thành phần kinh tế khoảng 25.709 tỷ đồng để đầu tư các dự án quan trọng, cấp bách, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) trọng điểm, tạo đột phá cho phát triển, khắc phục có hiệu quả biến đổi khí hậu và giải quyết nhu cầu an sinh xã hội.
Nổi bật, trên lĩnh vực hạ tầng giao thông, tỉnh tập trung xây dựng đồng bộ, theo hướng hiện đại, kết nối cao, tạo động lực lan tỏa để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực, vùng động lực phát triển; ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng, có tính đột phá, nhất là các tuyến kết nối đường cao tốc Bắc - Nam, các tuyến quốc lộ đến khu công nghiệp, cảng biển, các trục chính trong khu đô thị và các trục nối vùng kinh tế trọng điểm. Triển khai thi công cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1, đã hoàn thành Bến 1A có khả năng tiếp nhận tàu đến 100.000 tấn và đang triển khai Bến 1B; kêu gọi đầu tư cảng biển Ninh Chữ; phối hợp Bộ Giao thông vận tải cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đường sắt Nha Trang - Sài Gòn, đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh; kêu gọi đầu tư đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, đường sắt nối cảng Cà Ná đến đường sắt Thống Nhất.
Hồ Sông Cái (Bác Ái). Ảnh: T.D
Hoàn thành giải phóng mặt bằng, thi công các dự án: Tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 27 đi vào hoạt động vượt tiến độ đề ra. Phối hợp Bộ Giao thông vận tải triển khai thực hiện đường cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh (đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo) hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối tháng 4/2024. Thời gian qua, với nhiều hình thức đã huy động nhiều nguồn vốn đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối, xây dựng mới với hơn 370km đường giao thông tuyến tỉnh, liên huyện. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của trung ương và các nguồn vốn huy động khác, tập trung đầu tư hoàn thành tuyến đường ven biển từ Bình Tiên đến Cà Ná dài 105,8km góp phần hoàn thành cơ bản về cơ sở hạ tầng giao thông, phá thế chia cắt giữa các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh; tạo điều kiện để sắp xếp lại dân cư vùng ven biển, góp phần phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai và tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh vùng biển; các tuyến đường giao thông đến trung tâm các xã miền núi, nâng cấp hệ thống giao thông đô thị trọng điểm.
Huy động vốn đầu tư hoàn thành 6 tuyến đường nội thị theo hình thức BT; đẩy nhanh tiến độ dự án đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng; dự án đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và cảng biển tổng hợp Cà Ná góp phần phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thu hút phát triển công nghiệp, tạo động lực thúc đẩy vùng kinh tế vùng trọng điểm phía Nam của tỉnh. Triển khai chuẩn bị đầu tư tuyến đường động lực kết nối cảng tổng hợp Cà Ná lên khu vực Nam Tây Nguyên. Ngoài ra, đã huy động các thành phần kinh tế đầu tư khoảng 60km đường giao thông nội bộ trong các dự án điện năng lượng tái tạo, góp phần cải thiện hạ tầng giao thông nông thôn, tạo thành mạng lưới đường bộ rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, hầu hết các xã đều có đường giao thông đến trung tâm xã, lưu thông thông suốt, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, đi lại của nhân dân giữa vùng đồng bằng với các vùng miền núi được thuận lợi hơn, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, giảm thiểu tình hình tai nạn giao thông.
Tỉnh đã chủ động kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đưa cảng hàng không Thành Sơn vào danh mục Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện đang xây dựng Đề án nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự Thành Sơn và quy hoạch chi tiết cảng hàng không Thành Sơn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện các thủ tục sớm triển khai thực hiện dự án.
Đồng chí Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, cho biết: Hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, trải đều khắp các địa bàn trong tỉnh, có tính kết nối cao, bảo đảm thông suốt, phá thế chia cắt giữa các vùng kinh tế của tỉnh. Giao thông phát triển, tạo động lực giao thương kinh tế tăng trưởng.
Ở lĩnh vực hạ tầng thủy lợi và ứng phó biến đổi khí hậu, tỉnh ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi trọng điểm theo hướng liên thông, đa mục tiêu nâng cao năng lực tưới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, cung cấp nước sinh hoạt cho người, nước uống cho gia súc các vùng khô hạn và cắt lũ trong mùa mưa. Tỉnh tranh thủ cơ chế chính sách đặc thù và trong bối cảnh tình hình hạn hán xảy ra gay gắt, tỉnh đã tập trung huy động vốn cho lĩnh vực thủy lợi để phù hợp chủ trương về nguồn vốn của Chính phủ. Trong hơn 10 năm qua, đã đầu tư 11 hồ chứa nước với dung tích 370,75 triệu m3, nâng tổng số lên 22 hồ chứa với dung tích 414,29 triệu m3. Đơn cử như hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có dung tích 219 triệu m3, đảm bảo nguồn nước tưới cho 7.480ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó vùng miền núi hơn 1.600ha. Hoàn thiện kênh chính Tân Mỹ dài hơn 20km thông nước vào cuối tháng 4/2022 đã góp phần giải quyết khó khăn về nguồn nước, phát triển KT-XH; hiện nay, đang tiếp tục triển khai đường ống chuyển nước đến hồ Bà Râu, Sông Trâu và Nam Khánh Hòa. Huy động nguồn vốn ADB, AFD tiếp tục đầu tư đường ống kết nối, chuyển nước từ hồ chứa Sông Than tới hồ Lanh Ra, tiếp nước bổ sung cho hồ Lanh Ra và Tà Ranh, hồ Bầu Zôn đáp ứng yêu cầu cho phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh.
Ngoài ra, đầu tư đồng bộ 355,2km kênh cấp II, III, phát huy tốt hơn hiệu quả các hồ đập; nâng tổng số diện tích chủ động nước đến cuối năm 2023 đạt 62,38%; đầu tư trên 26,6km đê, kè chống sạt lở ở vùng xung yếu, ven biển, ven sông giảm đáng kể tình trạng xâm nhập mặn, giữ ngọt do ảnh hưởng của thủy triều, góp phần công tác chống hạn. Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ theo hướng đa mục tiêu và bảo vệ môi trường, giải quyết cơ bản nhu cầu về nước sinh hoạt và sản xuất. Việc huy động nguồn lực đầu tư hệ thống thủy lợi đã cải thiện năng lực tưới góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cải tạo môi trường tự nhiên và xã hội, xóa đói giảm nghèo, giảm nhẹ thiên tai; tạo điều kiện cho nhân dân khai thác, mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp từ 2-3 vụ/năm, đảm bảo lượng nước đáp ứng nhu cầu KT-XH.
Xuân Bính