Xác định vốn tín dụng ưu đãi là công cụ hữu hiệu, thiết thực để thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Căn cứ nội dung của Chỉ thị số 40-CT/TW và Chỉ thị số 67-CT/TU ngày 23/4/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng CSXH; Huyện ủy Thuận Bắc đã ban hành Chương trình số 15-CTr/HU ngày 3/9/2015 để chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, hội, đoàn thể tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện cũng như khắc phục những khó khăn, tồn tại trong quá trình cho vay, thu hồi vốn; góp phần thúc đẩy hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn ngày càng tăng trưởng và phát triển bền vững cả về quy mô và chất lượng.
Lãnh đạo Ngân hàng CSXH Việt Nam kiểm tra hoạt động cho vay tín dụng CSXH tại xã Bắc Sơn (Thuận Bắc).
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện là đơn vị có số dư cao nhất trong các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tại địa phương, với hơn 171 tỷ đồng/2.869 hội viên được vay vốn. Bà Nguyễn Thụy Thùy Trang, Phó Chủ tịch phụ trách Hội LHPN huyện, chia sẻ: Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nhất là nội dung ủy thác ký kết với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, hội chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các tổ chức cơ sở hội, tổ tiết kiệm và vay vốn phối hợp với Ban quản lý thôn tổ chức bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định của từng chương trình tín dụng. Cùng với đó, định hướng hộ vay đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; nhờ đó, hoạt động sản xuất của chị em có sự chuyển biến đáng kể, hộ khá ngày càng tăng, tỷ lệ giảm hộ nghèo hằng năm đều đạt theo kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, từ khi có chủ trương bổ sung các đồng chí Chủ tịch UBND xã tham gia vào Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp huyện đã góp phần nâng cao sức mạnh chính trị trong bộ máy chỉ đạo điều hành, từ đó mọi chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về tín dụng CSXH được nắm bắt và triển khai kịp thời đến người dân. Ông Tôn Long Dũng, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, cho biết: Hằng tháng, tôi đều tham gia họp giao ban tại điểm giao dịch xã để chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu tín dụng được giao và định kỳ trong mỗi quý sẽ tiến hành kiểm tra giám sát hoạt động tín dụng chính sách ở một số thôn, tổ tiết kiệm và vay vốn và kiểm tra thực tế tại hộ vay để nắm bắt tình hình; đồng thời, tham mưu, đề xuất ngân hàng xử lý kịp thời khó khăn, hạn chế ở cơ sở.
Người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Thuận Bắc phát triển chăn nuôi từ vốn vay ưu đãi.
Đáng ghi nhận hơn, nội dung của Chỉ thị số 40-CT/TW được huyện Thuận Bắc đưa vào nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, từ đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo được triển khai sâu sát hơn. Hằng năm, UBND huyện đều cân đối, bố trí vốn chuyển sang Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để bổ sung nguồn lực cho vay, nâng tổng số vốn ngân sách ủy thác đến nay đạt trên 4,670 tỷ đồng. Thông qua 18 chương trình, trên địa bàn huyện có khoảng 10.690 khách hàng được vay vốn, với số tiền gần 425 tỷ đồng. Qua đánh giá, vốn tín dụng CSXH đã góp phần cùng với các nguồn lực khác thúc đẩy tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương giảm từ 3,5-4%/năm, giúp cho 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Ngọc Ba, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thuận Bắc, đơn vị tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW trong thời gian tới. Trọng tâm là tăng cường huy động các nguồn lực cho tín dụng CSXH; cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang ngân hàng. Đẩy mạnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, hội, đoàn thể nhận ủy thác trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của điểm giao dịch xã, tổ tiết kiệm và vay vốn triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng CSXH trên địa bàn.
Hồng Lâm