Chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

Nhằm đảm bảo việc cấp nước an toàn, liên tục cho người dân, chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo tinh thần chỉ đạo tại Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/1/2024; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ; ngày 14/5/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2093/UBND-KTTH yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương ứng phó, khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao.

Kế hoạch của UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi, ao, đầm...; thường xuyên kiểm tra, đánh giá cân đối nguồn nước, điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước cho sinh hoạt và sản xuất. Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, các công ty thủy lợi, thủy điện và UBND cấp huyện chỉ đạo vận hành linh hoạt, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện và các hệ thống thủy lợi nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, tối ưu nguồn nước, vừa đảm bảo nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, vừa đảm bảo nước cho phát điện, nhất là thời kỳ xảy ra nắng nóng cao điểm. Tổng hợp tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở các địa phương, chủ động phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh đề xuất cơ quan thẩm quyền xem xét, hỗ trợ thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt sớm đưa vào khai thác, sử dụng. Tăng cường quản lý, tổ chức vận hành có hiệu quả các hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung và các công trình cấp nước khác do trung tâm quản lý; thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước, đảm bảo nguồn nước đạt tiêu chuẩn theo quy định để cung cấp cho nhân dân sinh hoạt. Thường xuyên kiểm tra các hạng mục công trình và trang thiết bị, máy móc của các hệ thống cấp nước, khi phát hiện có sự cố, hư hỏng phải kịp thời khắc phục, sửa chữa ngay, không để tình trạng thất thoát, lãng phí nước. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, nhân lực nhằm khắc phục ngay các sự cố nếu xảy ra, giảm thiểu mất nước.

Thường xuyên tổ chức bảo dưỡng định kỳ thiết bị máy bơm; dự phòng thêm một số máy bơm ở các trạm để tăng công suất, bơm nước ở các hồ dưới mực nước chết; chú trọng bảo dưỡng nhà máy nước thô kênh Nam, kênh Bắc; phối hợp các địa phương tuyên truyền động viên người dân lắp đặt đồng hồ nước vào nhà, sử dụng nước tiết kiệm, ưu tiên sử dụng nước cho sinh hoạt. Đấu nối các công trình cấp nước tập trung để hỗ trợ nước thô, nước sạch với nhau; phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi để ưu tiên nguồn nước thô cấp nước cho sinh hoạt; phối hợp với Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận mở nước sạch tại các điểm đã đấu nối khi cần thiết.

Các đơn vị: Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận, Công ty TNHH Cấp nước Đông Mỹ Hải căn cứ tình hình nguồn nước hiện nay thực hiện kế hoạch bảo đảm cấp nước an toàn, quản lý rủi ro; xây dựng quy trình và tổ chức diễn tập nhằm sẵn sàng ứng phó khi xảy ra các sự cố hạn hán, xâm nhập mặn và mất an ninh, an toàn cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối năm 2024. Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn vốn đầu tư các công trình, dự án thủy lợi theo kế hoạch năm 2024, ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ cấp nước sản xuất, cấp nước sạch phục vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, hỗ trợ kịp thời kinh phí ứng phó, khắc phục hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi diễn biến thời tiết, dự báo, cảnh báo và nhận định về nguồn nước mặt, nước ngầm để kịp thời cung cấp thông tin phục vụ cho chỉ đạo sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Chi cục Thủy lợi tổ chức vận hành các công trình ngăn mặn, giữ ngọt, các cống trên đê, trên sông hợp lý phục vụ chống hạn.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi chủ động phối hợp với các địa phương triển khai phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, xác định cụ thể từng vùng có khả năng thiếu nước để áp dụng các biện pháp cấp nước hợp lý. Theo dõi tình hình khí hậu, thời tiết, thủy văn, lượng mưa trong thời gian tới, đồng thời phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi thống nhất kế hoạch cấp nước từ nay đến cuối năm 2024 để phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả, phù hợp theo từng thời điểm; trong đó, ưu tiên nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho chăn nuôi, nước tưới cho cây trồng lâu năm, nước tưới cho diện tích cây trồng trong kế hoạch. Tổ chức nạo vét kênh mương, hệ thống thủy lợi, xử lý bèo trên các kênh, hệ thống công trình thủy lợi,.. thuộc phạm vi quản lý. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước. Kiểm tra, kịp thời phát hiện và sửa chữa hư hỏng (nếu có) tại các hệ thống công trình thủy lợi phục vụ cấp nước; tổ chức tưới hiệu quả và tiết kiệm nước.

UBND các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn; xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, trong đó hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt. Chủ động xây dựng chi tiết kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn với các kịch bản về nguồn nước có khả năng xảy ra để kịp thời triển khai các giải pháp phù hợp, giảm đến mức tối thiểu thiệt hại, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn. Thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân, nhất là đối với vùng núi cao, vùng ven biển thường xuyên xảy ra thiếu nước sinh hoạt. Hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước. Chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận và các cơ quan truyền thông tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị và người dân để thay đổi nhận thức, chủ động sử dụng tiết kiệm điện, nước, ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước có thể thường xuyên xảy ra.