Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 Chương với 54 Điều, quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Trước khi biểu quyết thông qua, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý theo hướng quy định cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền tại thành phố Hà Nội không chỉ thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô mà cả quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; bổ sung thẩm quyền của Ủy ban nhân dân phường trong việc quyết định các nội dung mà theo quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác phải do Hội đồng nhân dân cấp xã quyết định hoặc phải được Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua trước khi quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: An Đăng/TTXVN
Đồng thời, cùng với quy định về việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành cho các cơ quan của thành phố Hà Nội để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đối với các chính sách xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý các quy định về quản lý, sử dụng đất tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê, bảo đảm phù hợp với quy hoạch và yêu cầu về phòng, chống lũ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho rà soát các trường hợp cần thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị để bảo đảm không trùng lặp; bỏ quy định giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức bán nhà ở cũ; thể hiện lại theo hướng giao Hội đồng nhân dân quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố. Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung quy định giao Ủy ban nhân dân thành phố quy định trình tự, thủ tục công nhận, thu hồi quyết định công nhận cơ sở giáo dục chất lượng cao, việc đánh giá, kiểm định, bảo đảm duy trì chất lượng của cơ sở giáo dục chất lượng cao để bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ trong quá trình thực hiện.
Về chính sách đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý các quy định liên quan đến hình thức giao đất, cho thuê đất, thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, quản lý đất đai trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc để vừa phù hợp với thực tiễn, vừa kết nối với các quy định của Luật Đất đai năm 2024, tránh gây xáo trộn quá lớn trong lĩnh vực này ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Các đại biểu quốc hội đơn vị tỉnh Ninh Thuận dự Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, về thử nghiệm có kiểm soát, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: không cho phép thử nghiệm trong lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lĩnh vực về biến đổi, chỉnh sửa gen người; đưa ra nguyên tắc giới hạn các nhóm quy định của pháp luật mà tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm có kiểm soát có thể được phép không áp dụng, trên cơ sở đó, Hội đồng nhân dân thành phố sẽ quyết định phạm vi không áp dụng các quy định của pháp luật phù hợp với từng dự án cụ thể cũng như yêu cầu, mục đích thử nghiệm...
Đối với quy định về việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ và bổ sung các trường hợp áp dụng biện pháp này để khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật về phòng, chống cháy, nổ trên địa bàn thành phố thời gian qua; bổ sung quy định chuyển tiếp về trách nhiệm bổ sung hợp đồng cung cấp dịch vụ điện, nước đã được giao kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, do Luật Thủ đô chỉ quy định những cơ chế, chính sách đặc thù, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội nên ngoài Luật này, Thủ đô vẫn chịu sự điều chỉnh của các luật, văn bản khác trong tổng thể hệ thống pháp luật. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ghi nhận các ý kiến tâm huyết, xác đáng, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới. Đồng thời, cùng với Chính phủ, chính quyền thành phố Hà Nội tiếp tục quán triệt trong quá trình ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và tổ chức thực hiện Luật Thủ đô.
Theo baotintuc.vn