Ông cũng là người được giao chủ trì phục dựng khuôn viên nhà truyền thống của đồng bào Chăm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
TS. Lê Duy Đại chia sẻ, người Chăm có nhiều nhóm, phân bố ở nhiều địa phương khác nhau thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên, An Giang... Khi bắt đầu triển khai công việc phục dựng nhà truyền thống của đồng bào Chăm, ông cùng nhóm chuyên gia rất trăn trở đưa ra các phương án lựa chọn. Khuôn viên truyền thống của nhóm đồng bào Chăm ở địa phương nào đặc trưng nhất để mang về phục dựng tại khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam? Làm thế nào để phục dựng khuôn viên này, khi thực tế hàng chục năm nay, nhà truyền thống của đồng bào Chăm đã bị mai một?
Qua nhiều cuộc điền dã, nghiên cứu, sưu tầm, tham vấn ý kiến của các nhà quản lý văn hóa, trí thức người Chăm, cuối cùng, ông cùng nhóm chuyên gia đã quyết định chọn khuôn viên nhà truyền thống của đồng bào Chăm - Bà Ni ở Ninh Thuận để triển khai dự án.
TS. Lê Duy Đại giải thích, nhà truyền thống của người Kinh có 2 ngôi, gồm 1 nhà lớn và 1 nhà ngang, kèm theo chái bếp. Nhưng trong khuôn viên nhà truyền thống của người Chăm có đến 5 hoặc 7 ngôi nhà nhỏ. Theo quan niệm của người Chăm, khuôn viên nhà phải được thiết kế giống như bàn tay có 5 ngón. Xã hội người Chăm phân thành các tầng lớp quý tộc khá giả, bình dân nên khuôn viên nhà người Chăm cũng bị ảnh hưởng bởi yếu tố này. Trước đây, khuôn viên nhà có thể có một hay vài gia đình chung sống. Một gia đình người Chăm ăn nên làm ra thường có 5 căn, tùy công dụng của nó mà được bố trí khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay, do điều kiện kinh tế-xã hội thay đổi, đồng bào Chăm không còn làm nhà bằng ván, tường bằng đất, mái lợp tranh mà thay thế bằng bê tông, tường gạch, mái ngói, tôn... Một vài hộ giữ lại được 2 hoặc 3 ngôi nhà nhỏ, nhưng cũng không còn gia đình nào có đầy đủ các ngôi nhà truyền thống.
Từ những khó khăn đó, quá trình phục dựng khuôn viên nhà truyền thống của đồng bào Chăm tại Bảo tàng Dân tộc học phải kéo dài suốt 8 năm trời (từ 2001 đến 2008), qua 3 giai đoạn: Năm 2001 làm ngôi nhà thang lâm; năm 2005 làm các ngôi nhà tục, nhà song/nhà kề, nhà cao và nhà bếp; năm 2008 làm các ngôi nhà để công cụ sản xuất, nhà để cối xay, cối giã gạo và giếng nước. “Tất cả nguyên vật liệu từ gỗ, tranh tre, ngói và cả những tảng đá làm trụ đỡ sàn đều được mang từ Ninh Thuận ra Hà Nội phục dựng. Trong đó, đáng chú ý là ngôi nhà thang lâm của một gia đình đồng bào Chăm ở thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu (Ninh Phước) - có tuổi đời khoảng trên 100 năm và đã trải qua 5 thế hệ. Sau năm 1964, do lũ lụt, cả làng Chăm chuyển đi nơi khác nên ngôi nhà được nhượng lại cho một gia đình người Kinh. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã mua lại ngôi nhà này. Sau gần 2 tháng thi công, nhóm 14 thợ người Chăm do 2 ông Kiều Khai và Sử Văn Ngọc chỉ đạo công trình đã phục dựng hoàn thiện ngôi nhà tại Bảo tàng. Đây là 1 trong 4 ngôi nhà thang lâm cổ còn giữ nguyên kiến trúc nhà truyền thống của người Chăm ở Ninh Thuận”, TS Lê Duy Đại cho biết.
Hiện nay, để bảo tồn khuôn viên nhà cổ của đồng bào Chăm, hằng năm, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã mời những người thợ lành nghề ở thôn Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) ra Hà Nội để sửa chữa định kỳ. Quá trình sửa chữa, bảo tồn ngôi nhà tại Bảo tàng đã tạo cơ hội các cho người dân địa phương tiếp thu, gìn giữ di sản văn hóa của đồng bào Chăm.
Về giải pháp bảo tồn nhà Chăm truyền thống, TS Lê Duy Đại cho rằng, các tỉnh có cộng đồng người Chăm sinh sống nên tái tạo một khuôn viên nhà Chăm theo đúng nguyên mẫu nhà cổ. Ở mỗi làng Chăm nên xây dựng nhà văn hóa để làm nơi sinh hoạt, hội họp theo khuôn viên nhà Chăm truyền thống. Việc làm này nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa dân tộc, đồng thời giáo dục ý thức trân trọng, gìn giữ di sản văn hóa của cha ông cho thế hệ trẻ người Chăm.
Ngọc Ánh