Toàn Hội hiện có trên 960 hội viên, sinh hoạt tại 7 chi hội cơ sở. Hỗ trợ HVND phát triển kinh tế, những năm qua, Hội phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho HVND vay vốn với số dư nợ đến nay trên 34 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách Xã hội với dư nợ trên 6,7 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn từ các ngân hàng, Hội còn tranh thủ nguồn vốn “Quỹ Hỗ trợ nông dân” các cấp để giải ngân cho 15 HVND thôn Mông Đức, Nhuận Đức với số tiền 450 triệu đồng triển khai mô hình “Nuôi bò vỗ béo”; giải ngân 40 triệu đồng cho 2 HVND thôn Mông Đức chăn nuôi dê vỗ béo… Hiện tại, các mô hình đang được triển khai thuận lợi, mang lại hiệu quả kinh tế khá, giúp các hộ tham gia có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Là một trong những hộ tham gia mô hình “Nuôi bò vỗ béo” từ nguồn vốn “Quỹ Hỗ trợ nông dân” tỉnh, anh Phạm Ngọc Nhân (thôn Nhuận Đức), cho biết: Cuối năm 2017, được Hội Nông dân xã tạo điều kiện, tôi mạnh dạn vay 30 triệu đồng để mở rộng nghề chăn nuôi bò vỗ béo của gia đình. Sau khi nhận được vốn, tôi đầu tư 14 triệu đồng mua 2 con bò về nuôi. Sau một thời gian chăm sóc, tôi bán cặp bò thu được số tiền 23 triệu đồng. Từ số tiền này, mua một cặp bò khác với giá 14 triệu đồng. Sau hơn 3 tháng vỗ béo, đầu tháng 3 vừa qua, tôi bán cặp này thu được số tiền 22 triệu đồng.. Nhìn chung, mô hình “Nuôi bò vỗ béo” mang lại hiệu quả kinh tế khá, giúp người nông dân có thêm thu nhập, ổn định đời sống.
Nông dân xã Phước Hữu (Ninh Phước) chăm sóc lúa vụ đông - xuân năm 2019.
Ngoài vốn vay, đồng hành cùng HVND trong phát triển kinh tế, Hội còn phối hợp với UBND xã tuyên truyền, vận động nhân dân duy trì, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong vụ đông-xuân 2019 như: cánh đồng lúa lớn 200 ha, “1 phải, 5 giảm” 200 ha, mô hình liên kết với công ty JimmyFood sản xuất gạo sạch 20 ha... Cùng với đó, để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên cùng đơn vị diện tích, từ năm 2018 đến nay, Hội tuyên truyền, vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng 1 ha nho/5 hộ ở thôn La Chữ, 2,5 ha táo/7 hộ ở thôn Hậu Sanh theo mô hình tưới nước tiết kiệm, trồng 7,4 ha măng tây xanh ở thôn Thành Đức. Hiện tại, các mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng nho và táo đã triển khai xong, riêng mô hình trồng măng tây xanh đang triển khai thực hiện.
Anh Vạn Thanh Trúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hữu, cho biết: Ngoài những mô hình, hoạt động kể trên, để HVND nâng cao hiểu biết, áp dụng tiến bộ khoa học-công nghệ nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, hằng năm, Hội Nông dân xã còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp; quy trình sản xuất, chăm sóc mô hình cánh đồng lúa lớn; kỹ thuật chăm sóc các loại cây màu, nho, măng tây xanh… Quý I-2019, Hội cũng đã giải ngân 120 triệu đồng vốn “Quỹ Hỗ trợ nông dân” huyện cho 4 HVND thôn La Chữ chăn nuôi bò vỗ béo, phát triển kinh tế gia đình
Bằng việc tuyên truyền, triển khai đồng bộ nhiều mô hình, giải pháp, trong năm 2018, Hội Nông dân xã Phước Hữu có 738/890 HVND đăng ký đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; toàn Hội giúp đỡ 7 hộ vươn lên thoát nghèo. Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2019, Hội phấn đấu giúp 7 hộ vươn lên thoát nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều.
Lâm Anh