Nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới

(NTO) Trong những năm qua, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh phân công các sở ngành hỗ trợ, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương thực hiện chủ trương xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Đặc biệt, thông qua các mô hình sản xuất đã góp phần mang lại thu nhập bình quân, tăng 2,29 lần so với năm 2011.

Theo đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở NN&PTNT, thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 24-5-2011 của Tỉnh ủy về Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương xây dựng NTM đến năm 2020, toàn tỉnh đã có nhiều mô hình tiêu biểu về xây dựng NTM và sản xuất hiệu quả. Cụ thể, thuộc huyện Ninh Sơn có dự án xây dựng NTM gắn với nâng cao chuỗi giá trị ngành Nông nghiệp tỉnh tại Lâm Sơn; dự án “Xây dựng thí điểm mô hình làng mới” tại thôn Tân lập 2 (xã Lương Sơn) và Tân Mỹ (xã Mỹ Sơn). Bên cạnh đó ngành đã đề xuất xây dựng 2 mô hình “thôn NTM kiểu mẫu” tại xã Phước Sơn (Ninh Phước) và xã Xuân Hải (Ninh Hải) từ nguồn kinh phí sự nghiệp dự phòng NTM 2016-2020. Về mô hình sản xuất hiệu quả tiêu biểu, ngoài các mô hình của các doanh nghiệp đầu tư cho công cuộc xây dựng NTM, mỗi lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đều có một số mô hình điển hình, qua đó góp phần nâng giá trị sản xuất bình quân trên đất từ 71,9 triệu đồng/ha năm 2011 lên 115 triệu đồng/ha trong năm 2018.

Sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn năng suất cao hơn từ 500-1.500kg/ha so với canh tác truyền thống.
Trong ảnh: Nông dân xã Hộ Hải (Ninh Hải) thu hoạch lúa vụ đông xuân 2018 - 2019. Ảnh: B.T

Đáng ghi nhận trước hết là mô hình trồng măng tây xanh. Từ vùng đất hoang hóa, đến nay xã An Hải (Ninh Phước) đã cải tạo thành cánh đồng trồng măng tây xanh gắn với du lịch nông thôn, cho thu nhập từ 500-600 triệu đồng/ha tại khu vực trồng. Mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn thực hiện tại các vùng thiếu nước với cây đậu xanh mang lại lợi nhuận trên 15 triệu đồng/ha, cao hơn trên 7 triệu đồng/ha; cây bắp lai lợi nhuận trên 10 triệu đồng/ha, cao hơn trên 4 triệu đồng/ha; cây mè mang lại lợi nhuận trên 10 triệu đồng/ha, cao hơn 3 triệu đồng/ha nếu so với trồng lúa. Mô hình tưới tiết kiệm nước (nhỏ giọt trên cây ăn quả, măng tây xanh,…; phun tầm thấp trên nho, táo,…; phun tầm cao trên cỏ chăn nuôi, mía,…) đã giúp giảm 40-60% lượng nước tưới so với diện tích ngoài mô hình, tiết kiệm được 60-70% công lao động (công tưới). Toàn tỉnh đã có 1.264 ha cây trồng đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước, đặc biệt mô hình công nghệ này phát huy tác dụng, hiệu quả nhất trong đợt chống hạn từ năm 2014 đến nay.

Thực hiện định hướng của Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh, toàn tỉnh đã xây dựng được 14 cánh đồng với diện tích 1.328,25ha theo mô hình cánh đồng lớn, đã giảm giống từ 50-100kg/ha; giảm phân đạm 50-100kg/ha; giảm thuốc trừ sâu 1-2 lần; giảm nước 1-2 lần; giảm công lao động và thất thoát sau thu hoạch (thực hiện khâu cơ giới hóa từ làm đất đến thu hoạch trong sản xuất). Riêng cây lúa đã tiết kiệm được lượng giống gieo sạ từ 100-150kg/ha, giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật 2-3 lần/vụ, năng suất cao hơn từ 500-1.500kg/ha so với tập quán canh tác truyền thống nông dân. Cũng trong lĩnh vực trồng trọt, mô hình thâm canh cây nho, cây táo theo hướng VietGAP đã cho nhiều nông dân thu nhập từ 200-300 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt tại các huyện Thuận Nam, Ninh Sơn và Bác Ái, mô hình phát triển sinh kế nông-lâm kết hợp, thông qua việc trồng các loại cây ăn trái xen cây lâm nghiệp với diện tích 530 ha (gồm: 250 ha bưởi, 30 ha bơ, 250 ha mãng cầu), đã có hộ đồng bào thu được hàng trăm triệu đồng/năm nhờ kết hợp cây ăn trái với chăn nuôi bò, dê, cừu dưới tán rừng. Thông qua mô hình đã giúp người dân phát triển kinh tế, yên tâm bảo vệ rừng, góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo bền vững khu vực miền núi.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tiêu biểu là mô hình lai tạo đàn bò, dê, cừu. Ngành Nông nghiệp đã thực hiện công tác thụ tinh nhân tạo, đồng thời khai thác đàn bò giống F1 được lai tạo trước đây, đưa tỷ lệ sind hóa đàn bò đạt 41% (mục tiêu đến năm 2020 đạt 50%), dê cừu lai tạo giống mới đạt 90% (mục tiêu đến năm 2020 đạt 90%). Đối với mô hình chuỗi giá trị trong chăn nuôi, đã thực hiện chuỗi liên kết chăn nuôi giữa Công ty chăn nuôi CP Việt Nam với 47 trang trại heo có giá nuôi gia công 4.000 đồng/kg thịt hơi xuất chuồng; chuỗi dê cừu của cơ sở chăn nuôi Triệu Tín, xã Phước Thuận (Ninh Phước) liên kết với hơn 50 trại nuôi vỗ béo, được cơ sở thu mua theo giá thị trường nhưng đảm bảo đầu ra cho người chăn nuôi.

Cơ sở chăn nuôi Triệu Tín đóng gói thịt Cừu bảo đảm chất lượng cung cấp cho người tiêu dùng. Ảnh: Văn Nỷ

Nhìn chung, qua thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đã cho thấy vai trò đóng góp quan trọng trong việc hoàn thành tiêu chí về thu nhập người dân theo chuẩn xây dựng NTM. Theo hướng đó, trong thời gian tới Sở NN&PTNT tăng cường công tác tuyên truyền về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cho hệ thống chính trị cơ sở và nhân dân thực hiện. Trọng tâm là rà soát, tổ chức đánh giá tổng kết các mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương để tiếp tục nhân rộng theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Đồng thời tiếp tục lồng ghép nhiều nguồn lực đầu tư để thực hiện đầu tư và hỗ trợ nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.