Hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics

(NTO) Ngày 16-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics; các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Tham dự còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh ta, các đồng chí: Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI - Logistics Performance Index) năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước và đứng thứ 4 trong ASEAN. Tốc độ phát triển bình quân hằng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14-16%, là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc trong thời gian qua. Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam còn ở mức cao, khoảng 20-22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước, trong đó, chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp logistics nội chiếm hơn 80% tổng số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam, nhưng hầu hết chỉ làm dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ trong lãnh thổ Việt Nam, như: Dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ và thị phần tại các cảng,... Còn các hoạt động lớn, mang tính liên vận quốc tế đều do các Công ty, Tập đoàn đa quốc gia đảm trách.

Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch
UBND tỉnh tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh ta.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế, cho nên cần phát triển dịch vụ logistics thành một ngành kinh tế đem lại giá trị gia tăng cao, đặc biệt, gắn dịch vụ này với phát triển hàng hóa xuất nhập khẩu. Mục tiêu phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam đến năm 2025 đó là, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP của cả nước, xếp hạng LPI của Việt Nam trên thế giới đứng thứ 50 trở lên.

Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành Trung ương, nhất là ngành Giao thông vận tải và ngành Công Thương cần có chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics cụ thể, với 5 nhóm nhiệm vụ chính: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực. Bộ Lao động-Thương binh và Xã Hội tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có trình độ cao, phù hợp với thực tế hoạt động dịch vụ logistics tại Việt Nam hiện nay. Ngân hàng nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, hỗ trợ các gói tín dụng để đóng mới, cải tạo, sửa chữa tàu, phương tiện thủy nội địa nhằm phát triển vận tải ven biển; hỗ trợ các gói tín dụng đầu tư, nâng cấp trang thiết bị xếp dỡ hiện đại tại các cảng thủy nội địa, nhà ga đầu mối; hỗ trợ các gói tín dụng khuyến khích phát triển đường sắt chuyên dụng, kết nối đường sắt với các khu công nghiệp, cảng biển. Đối với các địa phương, cần có quy hoạch và sử dụng quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cần cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia, các cảng cạn, từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại; đồng thời, căn cứ định hướng phát triển và tình hình kinh tế hiện tại của địa phương, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tổ chức xây dựng hoàn chỉnh hệ thống logistics trên địa bàn;...