Ninh Thuận vững bước phát triển trong giai đoạn mới

(NTO) Ngày 16-4-1975, tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng, từ tháng 2-1976 đến năm 1991, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy sáp nhập thành tỉnh Thuận Hải. Ninh Thuận bấy giờ là một phần ở phía Bắc tỉnh Thuận Hải. Tại kỳ họp thứ 10, ngày 26-12-1991, Quốc hội khóa VIII đã quyết định tách tỉnh Thuận Hải thành hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Từ ngày 1-4-1992 tỉnh Ninh Thuận được tái lập và chính thức đi vào hoạt động.

Trong niềm vui hôm nay, nhiều người vẫn không quên những khó khăn ban đầu của tỉnh nhà ngày ấy. Là tỉnh có khí hậu khô nóng, lượng mưa trung bình hằng năm thấp nhất cả nước, nhưng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về hệ thống thủy lợi, năm 1992 khi tái lập tỉnh, cả tỉnh ta chỉ có duy hồ chứa nước Suối Lớn (xây dựng năm 1990) ở huyện Ninh Phước, dung tích 1,1 triệu m3, tưới cho diện tích 200 ha và hồ Thành Sơn (xây dựng năm 1991) tại huyện Ninh Hải, dung tích chứa 1,1 triệu m3 nước, phục vụ tưới 250 ha diện tích. Về thuỷ sản, năng lực khai thác hải sản cả tỉnh chỉ có 1.022 tàu cá, với công suất 15.900 CV; nuôi trồng thủy sản chỉ có 482 ha diện tích mặt nước thả nuôi tôm và 14 trại sản xuất tôm giống. Ngày nay tất cả đã thay đổi, toàn tỉnh hiện có 20 hồ chứa nước phục vụ cho sinh hoạt và tưới tiêu cho nông nghiệp với dung tích chứa theo thiết kế 193 triệu m3, ngoài ra còn có khoảng 80 công trình đập dâng lớn, nhỏ, theo thiết kế phục vụ tưới cho tổng diện tích trên 18.000 ha. Về thủy sản, theo số liệu mới nhất của Chi cục Thủy sản tỉnh, năng lực tàu cá toàn tỉnh là 2.771 tàu cá với tổng công suất 345.129 CV, tăng gần gấp 22 lần năm 1992. Riêng mặt nước thả tôm nuôi đã đạt tới 1.500 ha và có 450 trại sản xuất tôm giống hoạt động, bao gồm 250 cơ sở giống tôm thẻ chân trắng và 200 cơ sở giống tôm sú.

Đường 16 Tháng 4, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: V.M

Trải qua chặng đường xây dựng và phát triển sau 26 năm tái lập tỉnh, đến nay, nhiều thành tựu phát triển kinh tế-xã hội quan trọng đạt được đã khẳng định và nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực và cả nước; tạo tiền đề đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đồng chí Hoàng Thị Út Lan, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh nhận xét: Đến nay, bộ mặt tỉnh nhà từ nông thôn đến đô thị đều thay đổi lớn, đời sống người dân có cải thiện hơn. Với sự kế thừa năng động, thế hệ lãnh đạo mới của tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ triển khai từ giai đoạn trước. Hàng loạt công trình hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng đã tạo ra động lực mới thúc đẩy phát triển đời sống xã hội. Điều này thể hiện rõ trong năm 2017, với sự nỗ lực quyết tâm của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà, kinh tế tiếp tục duy trì ổn định và phát triển khá; một số chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; nhiều ngành, lĩnh vực tăng trưởng nhanh. Cụ thể thu nhập bình quân đầu người đạt 33,5 triệu đồng/năm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.263 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 8.850 tỷ đồng. Khâu đột phá về phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế biển được quan tâm triển khai thực hiện bước đầu đạt kết quả. Sản xuất nông, lâm, thủy sản và hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc; một số dự án quy mô lớn về du lịch, năng lượng tái tạo… được quan tâm triển khai thực hiện. Chương trình xây dựng nông thôn mới có chuyển biến tích cực. Các vấn đề xã hội được quan tâm, công tác an sinh xã hội được chăm lo tốt hơn. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thông tin và truyền thông, văn hóa- văn nghệ, thể dục thể thao được đẩy mạnh phát triển; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng lên.

Tuyến đường ven biển (đoạn Bình Tiên - Vĩnh Hy).Ảnh: Duy Anh

Năm 2018, tỉnh ta phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) từ 9-10%. Với tinh thần quyết liệt cả trong chỉ đạo và thực hiện, ngay từ quý đầu của năm đã tạo nên những chuyển động tích cực cho nền kinh tế của tỉnh, với tổng giá trị sản xuất các ngành tăng 11,5% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý được đánh giá là các lĩnh vực kinh tế tăng đều và ở mức cao so với hai năm trở lại đây. Riêng nông, lâm, ngư nghiệp tăng 10,4%, trong đó thủy sản tăng 13,7%, được coi là một trong những ngành đạt chỉ số tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái. Sản xuất công nghiệp từng bước được phục hồi, các dự án điện gió, điện mặt trời và một số dự án công nghiệp chế biến, thương mại đang tập trung đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng góp phần tạo giá trị tăng trưởng mới cho nền kinh tế của tỉnh.

Nhìn lại 26 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà tự hào và phấn khởi trước những thành tựu đã đạt được trong chặng đường qua. Đồng chí Văn Công An, nguyên UVTV, Thường trực Tỉnh ủy chia sẻ: Từng là một cán bộ có thời gian dài kinh qua nhiều công tác tại địa phương, tôi hiểu rất rõ những thay đổi về bộ mặt đời sống tỉnh nhà, nhất là trong những năm gần đây có nhiều khởi sắc trong phát triển kinh tế-xã hội, từng bước xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày thêm giàu mạnh, văn minh và hiện đại.

Phát huy kết quả đạt được 26 năm qua, nhân kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế- xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Ý KIẾN TÂM HUYẾT XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG NINH THUẬN PHÁT TRIỂN GIÀU ĐẸP

Nhà giáo ưu tú Phạm Hồng Cường, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh: Sự nghiệp giáo dục và đào tạo có bước phát triển vượt bậc, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên 
Năm 1992, khi tỉnh nhà tái lập, tôi được phân công đảm nhận chức vụ Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT). Còn nhớ thời điểm ấy, nền giáo dục và đào tạo tỉnh ta còn rất nhiều khó khăn; đội ngũ giáo viên thiếu thốn và chưa đồng bộ; cơ sở vật chất trường lớp, đặc biệt là ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nghèo nàn lạc hậu; tỷ lệ học sinh bỏ học còn cao…

26 năm sau ngày tái lập tỉnh, được sự quan tâm, đầu tư của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, diện mạo tỉnh ta ngày càng khởi sắc. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo có bước phát triển nhảy vọt cả về chất lượng và quy mô trường lớp, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên. Công tác khuyến học-khuyến tài được quan tâm đẩy mạnh, góp phần cùng ngành GD và ĐT duy trì sĩ số học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng nhân tài.

Tôi mong giai đoạn tiếp theo, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục xem “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”; có thêm chính sách đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị dạy học. Ngành GD và ĐT tiếp tục giữ vững và phát triển toàn diện; xây dựng đội ngũ giáo viên có trình độ, năng lực, nhiệt huyết với nghề; chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục học sinh các cấp. Các bậc phụ huynh, gia đình, xã hội không ngừng quan tâm, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phối hợp cùng nhà trường rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống tích cực cho các thế hệ học sinh.

Đồng chí Trịnh Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: Phụ nữ Ninh Thuận luôn cống hiến sức mình cho sự phát triển quê hương
Tôi thật sự phấn khởi, tự hào khi thấy diện mạo quê hương Ninh Thuận đang đổi thay từng ngày. Qua 26 năm tái lập tỉnh, tỉnh nhà đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực. Kinh tế phát triển vượt bậc; đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Và đặc biệt, nhờ sự quan tâm của Đảng, các cấp, các ngành thông qua các chính sách bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ, đã giúp chị em phụ nữ có điều kiện để tích cực tham gia, cống hiến trên các lĩnh vực, cũng như cơ hội học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, ngày càng khẳng định, phát huy vai trò, vị thế của mình trong gia đình và xã hội.

Trong không khí vui tươi những ngày tháng Tư lịch sử, đại diện cho tầng lớp phụ nữ tỉnh nhà, tôi mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có cơ chế, chính sách ưu tiên cho phụ nữ phát triển, nhất là đối với vấn đề về bình đẳng giới, công tác cán bộ nữ, chính sách về việc làm, học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ… giúp chị em trở thành người phụ nữ “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, cống hiến sức mình cho sự phát triển quê hương.

Đồng chí Bùi Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Y tế: Ngành Y tế không ngừng trưởng thành, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân
Trong những ngày tháng Tư lịch sử kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận; giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 26 năm tái lập tỉnh, tôi thực sự vui mừng, tự hào trước những đổi thay, phát triển vượt bậc của tỉnh nhà. Hệ thống điện, đường, trường, trạm khá hoàn thiện; các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được quan tâm đúng mực… đã giúp cho đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Những thành tựu to lớn này đã minh chứng cho sự quyết tâm, đồng sức đồng lòng, tinh thần trách nhiệm, hiệu quả trong công tác lãnh chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ đổi mới. Cùng với sự phát triển của tỉnh, ngành Y tế cũng không ngừng trưởng thành, hoàn thiện. Hiện mạng lưới y tế đã phủ rộng khắp; dịch bệnh luôn được kiểm soát tốt; chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày được nâng cao; đặc biệt Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang được đầu tư trở thành bệnh viện hạng I vào năm 2020… Tôi tin rằng, với những thành tựu đạt được, ý chí, quyết tâm, đoàn kết của Đảng bộ, Nhân dân sẽ tạo nền tảng vững chắc, động lực đưa tỉnh nhà ngày một phát triển.
 
Thiếu úy Lưu Văn Hoàng, Trung đoàn Bộ binh địa phương 896, Bộ CHQS tỉnh: Cống hiến sức trẻ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Trong dịp kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 26 năm tái lập tỉnh, tuổi trẻ LLVT tỉnh chúng tôi đã và đang ra sức thi đua lập thành tích trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; gắn nhiệm vụ xây dựng lực lượng, xây dựng đơn vị với làm tốt công tác dân vận và tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Bên cạnh đó, các cấp Đoàn Thanh niên trong LLVT tỉnh cũng tổ chức nhiều diễn đàn ôn lại truyền thống vẻ vang của quân dân Ninh Thuận nhằm giúp cho đoàn viên, chiến sĩ nhận thức sâu sắc ý nghĩa, giá trị lịch sử to lớn của chiến thắng 16-4 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thêm tự hào và thấy rõ trách nhiệm của bản thân đối với sự hy sinh của các thế hệ cha ông đi trước cho nền hòa bình, độc lập của dân tộc.

Để góp phần cùng tuổi trẻ LLVT tỉnh nói riêng, LLVT tỉnh nhà nói chung hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và củng cố tiềm lực quân sự-quốc phòng địa phương, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới, bản thân tôi sẽ nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được cấp trên giao phó, ra sức học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn của người Trợ lý Quân khí, quản lý tốt vũ khí-trang bị kỹ thuật-phương tiện, bảo đảm cho hoạt động huấn luyện, diễn tập của đơn vị diễn ra an toàn. Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động do ngành, Bộ CHSQ tỉnh và Đoàn Thanh niên Quân sự tỉnh phát động; tích cực tham gia và tham gia có hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn xã Vĩnh Hải-đơn vị kết nghĩa và trên địa bàn nơi đơn vị đứng chân.

Anh Võ Huy Hoàng, cán bộ Tỉnh đoàn: Ra sức phấn đấu xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp

Được sinh ra và trưởng thành trong hòa bình, không phải chứng kiến nỗi gian nan vất vả của thế hệ cha anh trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ cũng như những ngày đầu mới giải phóng; song bản thân luôn hiểu rằng, hòa bình, hạnh phúc và cuộc sống ấm no của ngày hôm nay được đổi bằng xương máu của thế hệ cha anh năm xưa. Tôi và những bạn trẻ cùng trang lứa luôn tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc của quân và dân Ninh Thuận trong kháng chiến cũng như những thành tựu trên các lĩnh vực của tỉnh sau 43 năm giải phóng, nhất là 26 năm tái lập tỉnh.

Tự hào về truyền thống của quê hương Ninh Thuận, bản thân càng nhận thấy rõ trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương. Thế hệ trẻ hôm nay là phải ra sức gìn giữ những thành quả cách mạng vĩ đại đó; ra sức thi đua lao động, học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ tri thức, làm chủ khoa học công nghệ; tham gia nhiều hoạt động xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, vì an sinh xã hội, chăm lo cho thiếu nhi, đồng bào nghèo; hình thành bản lĩnh vững vàng, sống có ước mơ, hoài bão, ra sức xây dựng quê hương Ninh Thuận phát triển ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ông Katơr Văn, Chủ tịch Hội CCB xã Phước Trung, Bác Ái: Nông thôn vùng cao ngày càng đổi mới
Sau ngày giải phóng quê hương, bà con xã Phước Trung từ núi cao xuống đất bằng định cư, định canh xây dựng cuộc sống mới. Trong 43 năm qua, Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình kinh tế-xã hội phát huy hiệu quả sử dụng, nâng cao đời sống nhân dân. Trong đó có hệ thống thủy lợi Phước Trung, Phước Nhơn tích trữ nguồn nước cho sản xuất, chăn nuôi gia súc và Nhà máy cấp nước công suất 350 m3/ngày-đêm, chấm dứt tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Bà con nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi từ trồng bắp địa phương sang trồng bắp lai, chuyển từ lúa rẫy sang canh tác lúa nước đạt năng suất cao. Các gia đình xây dựng nhà ở khang trang, mua sắm phương tiện sinh hoạt đầy đủ, từng bước vươn lên rút ngắn dần khoảng cách với tiến kịp miền xuôi. Cơ sở trường lớp được xây dựng chuẩn hóa, thầy cô giáo tận tâm giảng dạy, động viên học sinh chăm lo học tập tiến bộ. Với vai trò Chủ tịch Hội CCB xã Phước Trung, tôi tiếp tục vận động hội viên đoàn kết giúp nhau làm ăn, bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm, tích cực góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
 

Ông Phạm Rị, cán bộ hưu trí thôn Phương Cựu 2, xã Phương Hải (Ninh Hải): Cần quan tâm nhiều hơn nữa trong việc chăm lo, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thế hệ trẻ

Là người con của quê hương Ninh Thuận trưởng thành qua 2 cuộc kháng chiến và từng đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau trong lực lượng vũ trang và chính quyền, tôi thực sự vui mừng trước sự “thay da đổi thịt” của tỉnh nhà sau 43 năm giải phóng quê hương Ninh Thuận, nhất là sau 26 năm tái lập tỉnh. Được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, đời sống nhân dân từ nông thôn đến thành thị không ngừng được nâng lên; con em được học hành đầy đủ; sức khỏe người dân được quan tâm, chăm sóc chu đáo; hệ thống kết cấu hạ tầng: điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân địa phương.

Để tỉnh nhà tiếp tục phát triển bền vững, tôi mong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn nữa tới công tác chăm lo, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thế hệ trẻ nhằm tạo nên những hạt nhân tương lai là những con người có trình độ tri thức, am hiểu lịch sử, văn hóa, giàu lòng nhân ái… góp phần xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng văn minh, giàu mạnh.

Cả sư Đổng Bạ (Xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước): Đời sống đồng bào Chăm phát triển bền vững

Đồng bào dân tộc Chăm huyện Ninh Phước phấn khởi thi đua lao động sản xuất chào mừng kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng quê hương Ninh Thuận; giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ ngày giải phóng đến nay, đặc biệt là qua 26 năm tái lập tỉnh Ninh Thuận, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Chăm phát triển bền vững. Bà con các làng Chăm xây dựng được nhiều nhà khang trang, đời sống ngày càng no ấm, an vui. Nhờ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước giúp nông dân thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới, nâng cao giá trị nông sản hàng hóa, con em đồng bào dân tộc Chăm được học hành chu đáo, nhiều cháu trở thành bác sỹ, kỹ sư, thầy giáo, công nhân phục vụ tốt cho quê hương. Với trách nhiệm Cả sư trụ trì Tháp Pôklong Garai, tôi tiếp tục vận động đồng bào Chăm đoàn kết giúp nhau làm ăn, bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm, chung tay xây dựng nông thôn mới phát triển phồn vinh.